Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Chúa nhật 4 thường niên


CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mc 1, 21-28
“Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.”

Anh chị em thân mến,
Khi nghe có một linh mục nào đó nổi tiếng giảng hay về giảng tĩnh tâm cho giáo xứ trong những dịp giáng sinh hay phục sinh, thì bảo đảm nhà thờ hôm đó chật ních người, vì các anh chị em thường hâm mộ các linh mục giảng hay, giảng thu hút mọi người, nhưng đến khi được hỏi anh chị em có nhớ những lời cha giảng không, thì hầu như hết 85% người trong anh chị em nói là...không nhớ gì cả.

1.   Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài.
Họ sửng sốt cũng phải thôi, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã làm những điều mà những kinh sư và biệt phái không dám làm, đó là Ngài luôn giảng về sự thật trong khi thiên hạ cứ đua nhau nói dối, giảng dối để mị dân, để khoa trương tài học của mình.

Thiên hạ sửng sốt cũng phải thôi, bởi vì Đức Chúa Giê-su giảng dạy không như những người biệt phái và kinh sư vì họ giảng họ nói nhưng họ không làm, hoặc họ dạy những điều mà họ chưa bao giờ thực hành, do đó lời giảng dạy của họ chỉ như cái “phèng la” rổng tuếch, bay mất trong gió và làm chói tai người nghe.

Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su cũng phải thôi, bởi vì chính những người đi trước là các biệt phái và những người kinh sư đã không làm như Ngài đã làm: bênh vực cho người nghèo, kẻ bị áp bức, Ngài đứng về phía đám đông dân chúng nghèo khổ và những tâm hồn rộng mở để đón nhận lời giảng dạy từ miệng “Thiên Chúa phán ra”.

2. Thiên hạ sửng sốt vì người Ki-tô hữu không sống như lời Chúa dạy.
Ngày nay có rất nhiều người thích nghe Lời của Chúa từ những con người mang trên mình danh hiệu Ki-tô hữu, nhưng những người này –trong đó có tôi, có anh chị, có em- đã không thực sự rao giảng Lời cho mọi người, bởi vì chúng ta chỉ thích phô trương bên ngoài những luận cứ học thuyết, bởi vì chúng ta không thực sự sống như lời chúng ta nói, lời chúng ta giảng, mà chúng ta chỉ thích phô trương tài hùng biện của mình mà thôi.

Ngày nay có rất nhiều người thích nghe Lời của Chúa nơi những con người được chính Thiên Chúa uỷ thác rao giảng Lời của Ngài cho mọi người, đó là các linh mục và những người đã dâng mình làm tôi Chúa là các tu sĩ nam nữ, nhưng có những lúc những người này đã làm y như những biệt phái và các kinh sư đã làm: họ đã chồng chất thêm gánh nặng lên tâm hồn con người thời nay –vốn đã thờ ơ với Lời Chúa- bằng những lời nói hống hách, bằng những thái độ kiêu ngạo không phù hợp với Tin Mừng mà chính họ đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa qua Giáo Hội của Ngài.

3-   Vì Người giảng dạy như Đấng có uy quyền.
Thiên Chúa là Đấng rất uy quyền, uy quyền trong lời nói, uy quyền trong hành động. Đức Chúa Giê-su là Đấng rất uy quyền, uy quyền này không phải Ngài tự xác nhận, nhưng chính những con người đã được nghe lời Ngài giảng, được thấy việc Ngài làm đã to tiếng ca tụng quyền uy của Ngài; uy quyền của Ngài được bộc lộ ra không phải bằng khuôn mặt sát khí, cũng không phải hét la to tiếng, nhưng bằng sự chân thành mà rất mực uy nghiêm trong lời nói và lời giảng dạy của Ngài.

Con người thời nay ai cũng thích uy quyền, ai cũng thích lên mặt “ta đây” với anh chị em của mình: có người càng tỏ ra mình có uy quyền thì càng lòi ra cái bản chất ngu dốt của mình; có người luôn mang một tâm trạng đầy ảo ảnh uy quyền nên lúc nào cũng la lối thoá mạ anh em để ra vẻ ta đây có uy có quyền; có người thích uy quyền đến nổi đi đe dọa người anh em chị em bằng những lời lẽ thiếu đức bác ái...

Ai cũng thích uy quyền để ngồi trên đầu trên cổ anh chị em, Đức Chúa Giê-su là Đấng rất có uy quyền nhưng Ngài không la lối thoá mạ dân chúng để tỏ quyền uy, Ngài cũng không lên mặt “ta đây” với mọi người để mọi người nể phục. Ngài chỉ dùng quyền uy của mình để ban ơn cho người ta, để chữa lành những bệnh tật cho người ta, và để cứu sống người ta. Thứ uy quyền này, được thể hiện ra nơi lời giảng và hành động của Ngài: Ai làm lớn, thì phải phục vụ anh em.

Anh chị em thân mến,
Người có uy quyền thì rất oai, cho nên ai cũng thích quyền lực; người có uy quyền thì rất oai, cho nên ai cũng tìm cách để đạt cho được cái uy quyền ấy.
Nhưng Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta rằng, nếu anh chị em có uy quyền thì nên phục vụ người khác; nếu anh chị em có uy quyền thì nên đứng về phía người nghèo để bênh vực họ; nếu anh chị em có uy quyền thì hãy dùng uy quyền của anh chị em để phục vụ Thiên Chúa trong mọi người, bởi vì Đức Chúa Giê-su là Đấng rất uy quyền, và Ngài cũng đã từng làm như thế khi đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho mọi người.


     Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Mời uống rượu không say


MỜI UỐNG RƯỢU KHÔNG SAY
Vợ của Liễu Lịnh vì chồng tham uống rượu mà sinh khổ, một hôm cùng vợ bé của Liễu Lịnh bàn mưu tính kế hại ông ta, thế là nấu một nồi rượu lớn.
Rượu chưa nấu xong, Liễu Lịnh đã vội vàng không ngừng đòi vợ cho uống rượu, vợ nói:
-         “Đợi nấu rượu xong đã, nhất định cho ông uống đến say mới thôi”.
Rượu nấu đã chín, bèn lớn tiếng gọi Liễu Lịnh đến uống, đợi lúc ngà say, vợ lớn vợ bé của Liễu Lịnh cố sức đẩy ông ta vào trong nồi rượu, lấy nắp đậy lại, sau đó dùng một khúc gổ lớn đè trên nắp, trong bụng nghĩ rằng, thế này thì nhất định phải chết trong nồi rượu.
Ba ngày sau, trong nồi rượu không một tiếng động, vợ nghĩ trong bụng:   nhất định là đã chết rồi, bèn mở nắp nồi ra, vừa nhìn thấy liền hoảng cả lên, vì rượu trong nồi đã khô, Liễu Lịnh uống đến say, đang ngồi trên bả rượu.
Qua một lúc lâu, Liễu Lịnh tỉnh rượu, vươn vai ưởn ngực nói:
-         “Không phải bà để tôi uống đến say sao, bây giờ để tôi ngồi không ở đây làm gì chứ ?”
                                     (Tuý Ông đàm lục)

Suy tư:
     Có nhiều bà vợ, dù nhu mì dịu dàng đến đâu cũng có lúc nào đó phải nổi tam bành với một ông chồng sáng xỉn chiều say, nhưng nổi tam bành đến mức giết chồng thì quả là điều tệ hại.
Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến thảm trạng gia đình, mà nguyên nhân nhiều nhất vẫn là do rượu mà ra.
Rượu được bọc trong nhiều cái nhãn hiệu nghe rất “êm tai” và mẫu mã bên ngoài nhìn rất bắt mắt, rượu nội địa, rượu ngoại quốc, rượu xịn và rượu dỏm, tóm lại rượu có rất nhiều loại nhiều nhãn hiệu, trên đường phố bày bán rượu nội ngoại lẫn lộn, khó mà phân biệt thật giả.
Người đàn ông mà mê rượu hơn mê vợ con thì quả là bất hạnh cho gia đình, rượu là thứ nước vô tri nhưng lại có sức hấp dẫn những người thích rượu, rượu là thứ nước có “ma lực” làm cho người đàn ông mất hết lý trí, làm cho người chồng bỏ bê công việc gia đình, rượu là chất men làm cho người đàn ông say đến quên cả bản thân mình...

Ai muốn phá vở hạnh phúc của chính mình thì cứ uống rượu, ai muốn trở thành thân tàn ma dại thì cứ kết bạn với lưu linh, ai muốn danh dự của mình và của gia đình bị ô uế thì cứ việc sáng xỉn chiều say, và cuối cùng ai cảm thấy mình muốn trở thành người điên thì xin đừng ăn cơm của vợ con nấu, nhưng hãy uống cho thật nhiều rượu bên ngoài quán cóc lề đường...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch từ tiếng hoa và viết suy tư 

Mượn lừa mắng thầy chùa


MƯỢN LỪA MẮNG THẦY CHÙA
Giữa năm Kiến An thời Đông Hán, thứ công Nam Long Vương vô ý thả lừa vô trong ruộng lúa mạch của chùa Quý An, chà đạp rất nhiều lúa mạch, hoà thượng lớn tiếng chửi Vương thứ công.
Ngày hôm sau, Vương thứ công cởi lừa dẫn đầy tớ đến gặp hoà thượng, hỏi:
-         “Đêm đến con lừa trọc (ám chỉ hoà thượng đầu trọc) ăn của hoà thượng bao nhiêu lúa mạch, con lừa này ở nhà thật không việc gì, mới xuất gia (ám chỉ hoà thượng xuất gia) mà đã không có lễ phép.”
Nói xong hét với đầy tớ:
-         “Lấy cái yên ra cho tao, dắt con lừa trọc ấy tới đây, nè coi tôi đánh dưới môi nó (ám chỉ tiểu tăng và tiểu hoà thượng) rồi đánh trên môi nó (ám chỉ đại tăng và đại hoà thượng).
                                     (Tuý Ông đàm lục)

Suy tư:
     Vô ý và cố ý thì không giống nhau, cũng giống như đi nhà thờ mệt quá mà ngủ gật với chuyện cố ý đến nhà thờ để ngủ thì không giống nhau.
     Có một vài vị chức sắc trong họ đạo có lẽ vì nhiệt tình với nhà Chúa hoặc là để tỏ ta đây có uy quyền, nên hể thấy em bé nào ngủ gục trong khi dâng thánh lễ, hoặc là đọc kinh, thì hùng hổ xông tới bạt tai, nhéo tai và có khi đuổi ra khỏi nhà thờ.
Cũng có một vài vị cha sở quá ư là dữ, là hách xì xằng đã tát tai con nít không thương tiếc trong nhà thờ, và có khi ngoài nhà thờ, làm cho chúng nó có ấn tượng ông cha sở dữ hơn cả ông kẹ, đến nổi, nếu không bị ba mẹ la doạ đánh cho thì nhất định không đến nhà thờ vì sợ cha sở và quý chức việc trong họ đạo.
Các em là tuổi ngủ tuổi ăn, cho nên nếu cứ bốn, năm giờ sáng đã đánh thức chúng nó dậy để đi lễ, thì làm sao mà không ngủ gục trong nhà thờ được, chỉ cần đánh thức nhè nhẹ hoặc nói các em ra rửa mặt là xong ngay, hơn nữa Chúa cũng không nở phạt các em ngủ trong nhà Chúa, ngay trước mặt Chúa...
Các em vô ý hay quá buồn ngủ mà ngủ gật trong nhà thờ thì tội cũng không to lớn bằng người lớn cứ cầm cây roi mây đi lại lăng xăng trong nhà thờ quát em này mắng em nọ; tội ngủ gật trong nhà thờ vì quá mệt mỏi sau một ngày lao động không nặng bằng một người ăn không ngồi rồi nói xấu người này kẻ nọ rồi cũng quần là áo lượt đi lễ...
Vô ý và cố ý thì không giống nhau, vì mệt mỏi và thiếu ngủ mà ngủ gục trong nhà thờ của trẻ em, và cố ý tỏ uy quyền cho bàn dân thiên hạ thấy khi đánh con nít trong nhà thờ, thì rõ ràng là người những người ấy tội to hơn, cần phải suy nghĩ...

Có nhiều cách để giúp các em sốt sắng hơn khi tham dự thánh lễ hoặc đọc kinh chung trong nhà thờ, để các em thấy nhà thờ là nơi thân thiết của mình, ở đó có cha sở hiền từ như Đức Chúa Giê-su, và các vị chức sắc thánh thiện như các tông đồ của Chúa...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Phụ nữ có ba cái uy


PHỤ NỮ CÓ BA CÁI UY
Nhiệm Hoàn rất là sợ vợ.
Một hôm, Xã Chính Luân nói đùa với ông ta:
-         “Phụ nữ có ba cái uy, không lẽ không sợ. Thứ nhất, lúc mới lấy về, phụ nữ đoan trang nghiêm túc giống như bồ tát sống, lẽ nào có người không sợ bồ tát sao ?
Thứ hai, sau khi sinh con thì người phụ nữ giống như con cọp được phụng dưỡng trong nhà, có ai lại không sợ cọp sao ? Thứ ba, đến khi về già thì da mặt nhăn nheo giống như mặt quỷ cưu-bàn-trà, (đó là một loại ác quỷ theo thần thoai cổ Trung Quốc) con người ta ai lại không sợ quỷ chứ ?
                                     (Tuý Ông đàm lục)

Suy tư:
     Phụ nữ thì từ xưa đến nay đều rất “nổi tiếng”, cho nên có rất nhiều sách vở viết về phụ nữ, xấu cũng như tốt.
     Các nữ tu thì từ xưa đến nay cũng rất là nổi tiếng trong những công việc bác ái và phục vụ của họ, và tôi nghiệm ra rằng, các nữ tu của chúng ta cũng có ba cái “uy” y chang như là phụ nữ vậy:
Cái “uy” thứ nhất là đoan trang, chắc chắn tất cả mọi loài thụ tạo trên mặt đất –ngoài Đức Mẹ Ma-ri-a ra- thì không ai đoan trang như các nữ tu, nhìn các nữ tu trong chiếc áo dòng, thì người khó tính và “bụi” nhất cũng phải khen ngợi sự đoan trang của các nữ tu, và nhờ ưu điểm ấy mà công việc bác ái từ thiện của các nữ tu làm, đều rất dễ dàng thành công, vì không ai nỡ lòng nào lại từ chối không giúp đỡ các nữ tu khi họ có yêu cầu, tất cả cũng là ở sự đoan trang thánh thiện của họ...
Cái “uy” thứ hai, tuy rằng các nữ tu không lấy chồng sinh con đẻ cái, nhưng trên thực tế, các nữ tu có rất nhiều đứa con thiêng liêng ở viện mồ côi, nơi trường học, nơi các trại tế bần... ở đâu cũng có bàn tay chăm sóc và giáo dục của các nữ tu, do đó mà nói, các nữ tu rất nhiều “con” là vậy, tuy nhiều con, nhưng các nữ tu không “dử như cọp cái”, trái lại các nữ tu rất hiền lành, khả ái và hết lòng yêu thương mọi người, cái uy này đã làm cho các nữ tu trở thành cầu nối giữa người với người trong một xã hội có quá nhiều đau khổ và hận thù...
Cái “uy” thứ ba của các nữ tu đó là các nữ tu không giống như “quỷ cái cưu-bàn-trà”, mà trái lại, các nữ tu giống như các thiên thần của Chúa, luôn hiền hoà và yêu thương phục vụ người khác, chính các nữ tu đã thay thế các “nàng tiên”, các thiên thần xuống trần để an ủi và cứu giúp những người bất hạnh, những trẻ em bị bỏ rơi, các nữ tu đúng là thiên thần của Chúa vậy...
Trên đây là ba cái “uy” của các nữ tu của chúng ta.

Không ai có thể phủ nhận ba cái uy nầy của họ, trừ phi chính họ –các nữ tu- không muốn mình có ba cái uy ấy khi làm công tác phục vụ và loan truyền Tin Mừng của Chúa cho mọi người.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Mặt giống khỉ vượn



MẶT GIỐNG KHỈ VƯỢN
Liễu Văn Thụ rất có tài ăn nói, chỉ có điều là mặt mày giống như khỉ vượn.
Lần nọ, Đường Minh Hoàng nói đùa khiến cho Hoàng Phan Xước chế nhạo ông ta, Liễu Văn Thụ rất hận ghét những ai gọi ông ta là khỉ vượn, liền ngầm ra hiệu với Phan Xước không được nói mặt ông ta giống khỉ vượn.
Phan Xước bằng lòng, nói với hoàng thượng:
-         “Khuôn mặt của Văn Thụ không giống khỉ vượn, nhưng khuôn mặt của con khỉ thì lại giống như đúc Văn Thụ ạ”.
Hoàng đế cười ha ha.
                                     (Tuý Ông đàm lục)

Suy tư:
     Giữa hoàng đế và bạn đồng liêu dĩ nhiên người ta sẽ chọn hoàng đế, Phan Xước đã làm như thế, thà được lòng hoàng đế hơn là sức mẻ tình bạn bè, đời là như thế.
     Giữa Thiên Chúa và ma quỷ, dĩ nhiên người công giáo chọn Thiên Chúa.
     Chọn và trung thành là hai việc khác nhau: có người chọn vì theo phong trào, cho nên được dăm ba bữa thì quăng vào sọt rác; có người chọn vì thấy hay hay, cho nên khi hết hay hay thì quên mất tiêu; có người chọn vì để vui lòng người yêu, cho nên khi được vợ được chồng thì cũng quên luôn cái mình đã chọn.
     Đức Chúa Giê-su đã yêu thương và chọn chúng ta làm con cái của Ngài, dù chúng ta bất xứng. Ngài không cao hứng nhất thời mà chọn, Ngài cũng không theo phong trào mà chọn, nhưng là vì yêu thương mà chọn chúng ta, và cuối cùng Ngài đã trung thành với sự chọn lựa ấy mà chết trên thập giá vì yêu chúng ta.
     Tôi đã chọn Thiên Chúa làm gia nghiệp của đời tôi trong bậc linh mục, trong đời sống hiến dâng của bậc tu sĩ, và trong đời sống của một tín hữu bình thường, đó là hồng ân mà Thiên Chúa ban cho tôi, nhưng cũng có một lúc nào đó, tôi đem sự lựa chọn này ra so sánh với thế gian :
-    Tôi so sánh bậc sống độc thân linh mục với đời sống đôi bạn, và cảm thấy cô đơn, buồn tẻ, thế là tôi xin Chúa cho tôi “nghỉ tu” một ngày, để chọn cái vui thú ở đời chóng qua với một người nào đó mà bỗng nhiên chợt hiện về trong quá khứ tuổi trẻ của tôi.
-    Tôi so sánh cuộc sống của người Ki-tô hữu với cuộc sống của người khác, và cảm thấy hối hận khi chọn Chúa, vì không được tự do thoải mái ăn chơi, xa hoa, mà không sợ luật lệ gò bó...

Tôi  đã chọn Chúa vì phong trào đi tu, vì phải lấy vợ lấy chồng; tôi đã chọn Chúa vì sợ lỡ mất dịp tiến thân, cho nên tôi cũng rất dễ dàng bỏ Chúa khi khó khăn xảy đến cho đức tin của tôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Tranh chấp ở chỗ cao


TRANH CHẤP Ở CHỖ CAO
Bốn bộ vị là: lông mày, con mắt, miệng và mũi đều có linh tính.
Một hôm, miệng nói với mũi:
-         “Anh có tài cán gì, thế mà sao lại ở phía trên tôi ?”
Mũi nói:
-         “Tôi có khả năng phân biệt mùi vị thơm thối, sau đó anh mới có thể ăn, cho nên vị trí của tôi phải ở trên anh”.
Mũi lại nói với con mắt:
-         “Còn anh, anh có bản lĩnh gì, sao lại ở trên tôi ?”
Con mắt trả lời:
-         “Tôi có thể quan sát bốn phương tám hướng, công lao không ít, đương nhiên là phải ở cao trên anh”.
Mũi lại nói:
-      “Nếu là như vậy, thì lông mày có khả năng gì mà lại ở trên tất cả chúng ta ?”
Lông mày nói:
-         “Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có vị trí như thế này, nhưng nếu tôi được sắp ở chổ phía dưới mắt và mũi, thì không biết cái da mặt của các anh thì nên bỏ ở chổ nào ?!”
                                     (Tuý Ông đàm lục)


Suy tư:
     Có những người có tính hay phân bì so đo với người khác, có những người miễn cưỡng chấp nhận chức vụ của người khác vì số đông thắng thiểu số nên họ ngầm bất phục, và do đó hay phê bình, so đo và có cơ hội là nói xấu người ấy...
     Cộng đoàn tu trì là nơi để mỗi người được nên thánh và làm cho người khác nên thánh, cho nên những chức vụ danh xưng trong cộng đoàn là để phục vụ cộng đoàn và để duy trì trật tự trong cộng đoàn, chứ không phải là để người khác phục vụ mình...
     Trong cộng đoàn tất cả thành viên đều là anh em chị em, chức vụ chỉ là để phục vụ.
     Thành viên có chức linh mục thì phục vụ cộng đoàn dân Chúa, dâng thánh lễ và làm những công việc của một linh mục, nó không giống với chức vụ trong cộng đoàn như chức vụ quản lý, văn phòng, thư ký hay bất cứ chức vụ gì, cho nên đừng lẫn lộn chức linh mục với chức vụ mà anh em chị em bầu lên để quản lý và để phục vụ cộng đoàn, chức vụ này có thể là không cần thiết phải là linh mục, bởi vì nó đòi hỏi về năng khiếu kinh nghiệm hành chánh hơn là mục vụ.
Trong cộng đoàn có người nghĩ rằng mình là linh mục nên phải đòi cho được ở trên anh em chưa lãnh chức linh mục, cho nên bất mãn, khó chịu, tức tối và hay phê bình người anh em, tất cả chỉ vì chưa phân biệt được cái chính và cái phụ, cái sai và cái đúng của công việc, và như thế họ đánh mất giá trị cao quý của thiên chức linh mục mà mình đã lãnh nhận trong Giáo Hội của Chúa.

     Mỗi người cứ vui vẻ làm tròn bổn phận của mình, đừng nhìn chức vụ của anh em chị em mà khó chịu, nhưng hãy cảm tạ ơn Chúa vì người anh em chị em có khả năng và đức độ hơn mình, đó chính là nhân đức khiêm tốn và là niềm vui thánh thiện vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch từ tiếng hoa và viết suy tư 

Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Chúa nhật 3 thường niên


CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN

Tin Mừng: Mc 1, 14-20
“Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”.

Anh chị em thân mến,
Hể nói đến từ bỏ, là những người công giáo thường hay nghĩ đến các linh mục, các dì phước, và cho rằng các vị ấy là những người từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa. Họ đơn giản nghĩ rằng từ bỏ cha mẹ để đi tu là từ bỏ; từ chối kết hôn là từ bỏ; từ chối vinh hoa phú quý là từ bỏ... cho nên khi thấy một linh mục sống xa hoa là họ chê bai này nọ, khi thấy một nữ tu sống đài các thì họ không ưa, hoặc khi thấy một thanh niên muốn đi tu mà sống như những thanh niên khác thì họ đoán xa đoán gần: tướng đó mà tu cái nỗi gì !!!

Đức Chúa Giê-su mời gọi tất cả mọi người –không trừ một ai- từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa, Ngài mời gọi tất cả trở thành môn đệ của Ngài, tức là trở nên những người thánh thiện như Ngài.
Có ngừơi từ bỏ không lập gia đình nhưng lại tham tiền bạc, họ chưa từ bỏ; có người từ bỏ tiền bạc nhưng lại thích “đào sắc”, họ chưa từ bỏ; có người từ chối địa vị danh vọng nhưng lại sống như là công tử “Bạc Liêu”, họ chưa từ bỏ.

Đức Chúa Giê-su không trương bảng quảng cáo tài nghệ thần thông của mình để chiêu dụ môn sinh, Ngài cũng không hứa hẹn giàu sang phú quý gì cho những ai đi theo làm môn đệ của Ngài, Ngài chỉ nói: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá”, và thế là An-rê và em là Phê-rô, Gia-cô-bê và em là Gioan đã từ bỏ mọi sự để đi theo làm môn đệ của Ngài. Các ông đã từ bỏ cha mẹ vợ con, đã từ bỏ nghề đánh cá truyền thống của gia đình để trở nên môn đệ của Đức Chúa Giê-su.

Cái “từ bỏ” mà Đức Chúa Giê-su muốn nơi chúng ta chính là từ bỏ cái tôi, cái ý riêng của mình, có thể nói đó là những “truyền thống” bám chắc sâu xa trong con người của mình, để đi theo làm môn đệ của Chúa, bởi vì dù cho anh là một linh mục hay một tu sĩ đã từ bỏ tình yêu cá nhân thường tình để đi làm môn đệ Chúa, mà anh không có từ bỏ cái tôi của mình, không từ bỏ ý riêng của mình, thì rồi từ từ anh sẽ đi kiếm những “tình yêu” vụng trộm khác; dù anh đã từ bỏ tất cả gia tài sự nghiệp mà chưa bỏ được ý riêng của mình, thì anh sẽ trở thành gánh nặng cho người khác. Cái tôi, cái ý riêng đó chính là bản thân tôi, là con người tôi; bỏ đi bản thân tôi, con người tôi thì chúng ta sẽ không còn gì để giữ lại, không còn gì để làm vướng tâm hồn chúng ta, nên chúng ta rất dễ dàng nhận được ân sủng của Thiên Chúa và thong dong đi theo Ngài mà “không thèm” ngó lui.

Trong vườn Cây Dầu, Đức Chúa Giê-su đã từ bỏ ý riêng để vâng theo thánh ý của Cha trên trời nên đã trở thành Đấng cứu chuộc nhân loại; Đức Mẹ Ma-ri-a đã từ bỏ ý riêng của mìng để vâng phục ý Thiên Chúa mà sinh hạ Đấng Mê-si-a, nên Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng sinh; các thánh cũng đã từ bỏ tất cả nên đã được Nước Trời làm gia nghiệp.

Anh chị em thân mến,
Ngày hôm nay mỗi một người Ki-tô hữu đều hiểu rằng không phải chỉ có những người “đi tu” mới từ bỏ mọi sự để làm môn đệ của Chúa, nhưng là tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, trở thành con cái của Thiên Chúa và trở nên môn đệ của Ngài, cũng đều được Đức Chúa Giê-su mời gọi từ bỏ mọi sự để đi theo Ngài.

Đức Chúa Giê-su không muốn chúng ta từ bỏ vợ con để theo Chúa, Ngài chỉ muốn chúng ta từ bỏ cái tôi tham sân si của mình; Đức Chúa Giê-su không muốn chúng ta từ bỏ công ăn việc làm để chết đói, nhưng Ngài muốn chúng ta từ bỏ cái ý riêng tham vọng của mình; Đức Chúa Giê-su cũng không muốn chúng ta từ bỏ bạn bè thân thiết, nhưng Ngài muốn chúng ta từ bỏ những thói quen không phù hợp với tinh thần Phúc Âm trong cuộc sống của mình.

Để kết luận bài suy niệm này, chúng ta mượn câu nói trong sách “Đường Hy Vọng” của đức cố hồng y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận để nhắc nhở mình mỗi ngày:
-    “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con đã bỏ trước.”
Thật đúng thay !


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Quan huyện đốt lửa


QUAN HUYỆN ĐỐT LỬA
Điền Đăng đã làm huyện trưởng, ai ai cũng kiêng tránh gọi tên của ông ta, nếu có người xúc phạm thì tức khắc sẽ bị đánh phủ đầu, thế là, người trong toàn huyện thay vì kêu là “đăng (đèn) ” thì gọi là “lửa ”.
Ngày rằm tháng giêng là tết nguyên tiêu có hội hoa đăng thì dân chúng được vào trong thành để du lãm thưởng thức. Sử quan của huyện viết một công văn treo trên cao ở đầu phố:
-         “Chiếu theo thói quen lâu đời của bổn huyện, ”châm lửa 點火[1] ba ngày”.
                                     (Lão Học An bút kí)

Suy tư:
     Có những “thói quen lâu đời” làm cho chúng ta thân thiện với tha nhân hơn như thói quen nói cám ơn và xin lỗi; có những “thói quen lâu đời” làm cho chúng ta giữ đạo tốt hơn, đó là thói quen đọc kinh sáng tối trong gia đình; có những “thói quen lâu đời” làm cho chúng ta ngày càng gần Chúa hơn, đó là thói quen cầu nguyện...
Có những lúc trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng chiếu theo “thói quen lâu đời” để thờ phượng Thiên Chúa nhưng lại xa Thiên Chúa:
-    Thói quen lâu đời của chúng ta là đọc kinh cho thật nhiều nhưng lòng trí thì xa Chúa.
-    Thói quen lâu đời của chúng ta là thích làm những công việc “thật nổi” bên ngoài cho người ta thấy mà tán thưởng.
-    Thói quen lâu đời của chúng ta là “tay phải bố thí thì tay trái cũng biết”, cho nên việc thờ phượng Thiên Chúa của chúng ta không được “tự nhiên” cho lắm.
Và có rất nhiều “thói quen lâu đời” khác đã làm cho chúng ta mất đi cốt lõi của việc thờ phượng Chúa, cốt lõi ấy là: yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết trí khôn, chứ không phải bằng những “thói quen lâu đời” bên ngoài của chúng ta.



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

[1] Thay vì viết là “đốt đèn點燈” thì lại viết là ”đốt lửa點火”…

Tinh tinh tham rượu



TINH TINH THAM RƯỢU
Ở Phong Khê thuộc tỉnh Tứ Xuyên có một loại tinh tinh có thể bắt chước ngôn ngữ của con người, đặc biệt chúng nó rất thích rượu, sau khi say thì mang guốc gỗ, múa tay múa chân nhảy lên vui sướng.
Thợ săn ở đó bèn đem rượu hảo hạng và guốc gỗ bỏ nơi chỗ mà tinh tinh xuất hiện để dẫn dụ chúng nó. Khi tinh tinh đi đến bên hủ rượu bèn nói:
-         “Ha ha, tưởng rằng mưu kế sẽ làm hại chúng ta, đừng hòng !” và quay đầu bỏ đi.
Nhưng không bao lâu thì tất cả đều quay lại đến gần, nhìn hủ rượu mà chảy nước miếng.
Một con tinh tinh nói:
-         “Tôi coi bốn phía không có người, chúng ta đi qua thử xem sao, uống ít ít thôi thì sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu.”
Những con tinh tinh khác đều lên tiếng phụ họa đồng ý.
Đến bên hủ rượu, đầu tiên là chúng nó dùng ngón tay chấm chấm mút mút thử thử xem sao, sau đó thì dứt khoát ôm cả hủ mà uống cho đã, thời gian không bao lâu thì tất cả đều say và nhảy lên nhảy xuống, cuối cùng thì nghiêng bên nọ ngã bên kia và  cuối cùng thì tất cả đều bị bắt tuốt luốt.
                                     (Tế Đông Dã ngữ)

Suy tư:
     Lòng tham của con người ta cũng giống như bầy tinh tinh, biết là cạm bẩy nhưng vẫn cứ thử thử xem, thử rồi thì quên mất cái chết kề bên lưng và cuối cùng thì chết thật.
     Có nhiều lúc chúng ta biết là cám dỗ, nhưng vẫn cứ tự trấn an mình: chút xíu thôi sẽ không sao cả.
Không ai cầm chén thuốc độc mà nói uống thử chút xíu xem sao; cũng không ai cầm con dao cứa tay mình rồi nói thử thử coi chảy máu không ??? Chảy máu thì có thể băng bó, uống chút xíu thuốc độc cũng có khi được sống vì rửa ruột kịp thời, nhưng chết mất linh hồn thì không thuốc nào có thể cứu sống được.
     Ma quỷ không phải là tay vừa, nó đưa ra nhiều lý do rất hợp lý, hợp hoàn cảnh để cám dỗ chúng ta phạm tội, và rất nhiều đấng bậc được mọi người coi là “thánh sống” cũng đã ngã quỵ vì mắc mưu của ma quỷ :
-    Với người sợ tội thì nó nói: không sao đâu, chút xíu thôi.
-    Với người rước lễ hằng ngày thì nó nói: không sao đâu, ngày mai xưng tội và rước lễ là êm đẹp.
-    Với các tu sĩ thì nó nói: lo gì, mình sống đẹp với cộng đoàn là được rồi, còn với những người khác thì ôi thôi, hơi sức đâu, mặc...

-    Với các linh mục thì nó nói: có gì đâu, mình cũng là người nên cũng có lúc phạm tội, Chúa cũng thông cảm cho nỗi cô đơn của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Rượu trong biến thành đục



RƯỢU TRONG BIẾN THÀNH ĐỤC
Thời nam Tống, ở Tô Châu có một quan coi về hành chánh họ Vương, vừa mới nhậm chức nên có vẻ thanh liêm, ngày ngày mở mắt thì thấy tiền, thế là đục. Ông ta tự tay nấu rượu và gọi là “triệt để trong”.
Lần nọ đãi yến tiệc mời khách khứa đến dự, có một nghệ nhân bưng tới một ly rượu nói:
-         “Rượu này gọi là “triệt để trong.” Nói xong bèn cố ý mở nắp ra, một nghệ nhân khác thấy trong ly toàn là rượu đục, bèn chế giễu nói: “Rượu “triệt để trong” sao lại đục thế này chứ ?”
Nghệ nhân liếc mắt nhìn Vương quan ngồi trên bàn tiệc, cất cao giọng trả lời:
-         “Nó nguyên là rượu “triệt để trong”, nhưng bị tiền làm cho đục đấy ạ !”
(Tế Đông Dã ngữ)

Suy tư:
     Con người ta không phải tự nhiên mà trở nên xấu, nhưng bởi hoàn cảnh xã hội và giáo dục không được tốt cho nên trở nên xấu...
     Ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, tâm hồn của chúng ta được trắng hơn tuyết, trong hơn rượu “triệt để trong” và đẹp như các thiên thần, nhưng có mấy ai giữ được sự đẹp đẽ ấy cho đến khi lìa bỏ cõi đời ?
     Con người ta bị hoàn cảnh xã hội và sự giáo dục không mấy tốt đẹp cho nên mất đi cái đẹp ban đầu của nó, rất ít người “gần bùn mà chẳng tanh hôi mùi bùn”. Bởi vì người luôn tiếp xúc với tiền bạc thì bị tiền bạc mê hoặc; người làm nghề môi giới thì miệng lưỡi ít khi mà nói thật; người làm chính trị thì lòng dạ khó mà ngay thẳng. Cho nên cứ thành thật mà nói, xã hội chúng ta đang sống luôn là cạm bẫy cho người muốn nên thánh, nhưng đồng thời nó cũng là nơi để chúng ta nên thánh.
     Không ai có thể tức khắc trở thành “triệt để thánh” nếu không xa tránh những cớ vấp phạm trong công việc hàng ngày.
Đục trong của tâm hồn không chỉ là tự mình quyết tâm mà thôi, nhưng còn phải cậy vào ân sủng của Chúa ban cho, bởi vì không có Chúa thì chúng ta sẽ không làm gì được.

   
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư  

Lời biện minh giỏi



LỜI BIỆN MINH GIỎI

Một năm nọ vào thời nhà Tống, thừa tướng đang chấp chánh bị chết, có người làm thơ nặc danh chế giễu ông ta.
Quan phủ thưởng rất hậu cho những ai bắt được người bêu xấu ấy, sau đó thì cũng bắt được, người ấy là Trương Thọ làm nghề bói toán, trói lại và áp giải vào trong phủ Khai Phong.
Quan phủ thẩm vấn hắn, Trương Thọ trả lời:
-         “Tôi ở kinh thành đã được ba mươi năm nay, từ trước đến nay chỉ có viết được khoảng mấy vần thơ thập thất để bán kiếm tiền mua chút hồ bỏ miệng, làm sao dám cười giễu đại quan của triều đình chứ, giả sử mà tôi viết, thì tôi làm sao có thể viết được như thế chứ ?”.
Quan phủ cười đến khan giọng, bèn thả ông ta về nhà.
                           (Mẫn Thuỷ Yến đàm lục)

Suy tư 2:
     Thư nặc danh, thư tình vô danh, đơn tố cáo nặc danh.v.v… thì thời nào cũng có, nặc danh hay vô danh chỉ vì nhiều lý do không thể ký tên thật của mình, chẳng hạn như sợ bị trả thù, nhưng đồng thời cũng là để trả thù người khác.
     Người ta ai cũng thích sự quang minh chính đại, không ai thích chuyện mờ ám.
     Có một vài giáo dân viết thư nặc danh tố cáo cha sở của mình trước phường xóm; có một vài người vì không thích người khác trội hơn mình nên viết thư nặc danh bôi xấu danh dự của họ…
     Dù đúng hay sai thì tự nó –thư nặc danh- cũng đã nói lên được sự bất chính và thù hận của nó.
     Người thích viết thư nặc danh, hay viết đơn tố cáo nặc danh đều có một tâm hồn ích kỉ và thù hận, và là người có tâm hồn thâm độc chuyên hại người bằng cách ném đá giấu tay.
     Đức Chúa Giê-su muốn chúng ta sửa lỗi anh em chị em mình cách kín đáo, bất đắc dĩ mới khuyên bảo họ trước mặt mọi người, để người anh em chị em ấy nhìn thấy được kết quả tai hại do mình gây ra để hối cải và ăn năn. (Mt 18, 15-17)

     Thư nặc danh, đơn tố cáo vô danh đều là phương tiện của sa tan làm hại anh chị em mình, ựt nó là vô giá trị.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư