Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

Lễ Các Thánh Nam Nữ


LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
(Ngày 1.11)

Tin mừng : Mt 5, 1-12.
“Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.

Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội hân hoan mừng lễ kính các thánh nam nữ trên thiên đàng, qua thánh lễ này chúng ta càng thấu hiểu hơn nữa về mầu nhiệm các thánh thông công của Giáo Hội, và khi suy niệm đến mầu nhiệm thông công này, chúng ta càng đặt niềm tin tưởng của mình vào Thiên Chúa và Hội Thánh hơn.

Các thánh là những con người như chúng ta, không ai có thể nên thánh nếu không đi qua cuộc sống làm người với những khổ đau hy sinh; không đi qua đau khổ hy sinh thì không thể trở thành một thánh nhân, bởi vì chính Đấng cứu chuộc nhân loại là Đức Chúa Giê-su Ki-tô đã bị đánh đòn, bị đóng đinh vào thập giá, và cuối cùng chết trên thập giá, hy sinh để chuộc tội cho nhân loại, tức là Ngài đã đi qua đau khổ và dùng đau khổ để cứu chuộc nhân loại tội lỗi.

Các thánh nam nữ là những con người như chúng ta, khi còn sống ở thế gian các ngài cũng có những tham sân si, cũng có kiêu căng, có giận hờn, có ghét ghen, có tham lam, có những tội lỗi mà chúng ta đã phạm hôm nay. Nhưng các ngài đã biết cậy vào ơn của Chúa và biết quyết tâm đứng lên cố gắng làm lại cuộc đời mình, biết chiến đấu với những cám dỗ, để rồi hôm nay các ngài được hưởng phúc với Thiên Chúa, với Đức Mẹ Ma-ri-a và các thiên thần trên thiên đàng.

Các thánh nam nữ là những người như chúng ta, có vị đã từng làm vua, có vị đã từng làm quan, làm bác sĩ, làm kỹ sư, làm thấy giáo, làm nô lệ, có vị làm giáo hoàng, có vị làm giám mục, làm linh mục, phó tế, có các vị là nam nữ tu sĩ.v.v... nghĩa là các ngài có đủ mọi thành phần giai cấp trong xã hội, có những đời sống và hoàn cảnh khác nhau, nhưng các ngài đã có một mục đích để sống, đó chính là phải trở nên thánh, phải trở thành những bạn hữu của Thiên Chúa trong chính bổn phận hằng ngày của mình.

Các thánh nam nữ là những người như chúng ta, nhưng các ngài đã biết thực hiện “hiến chương Nước Trời” tức là “Tám Mối Phúc thật” ngay tại trần gian này :
Các ngài giàu có nhưng đã sống tinh thần khó nghèo vì Nước Trời.
Các ngài bị người khác vu oan giá họa nhưng vẫn hiền lành với họ.
Các ngài đã chia vui với người vui và buồn với người buồn, nên được Thiên Chúa an ủi ngay khi còn ở đời này.
Các ngài mong muốn được trở nên người công chính giữa một xã hội đầy mưu mô xảo trá, nên được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Các ngài biết thương xót người, tức là biết động lòng trước cảnh thương tâm của người khác, nên được Thiên Chúa xót thương.
Các ngài sống trong danh vọng, sống giữa bụi trần với những đam mê của nó, nhưng vẫn giữ được tâm hồn trong sạch, nên các ngài được nhìn thấy Thiên Chúa.
Các ngài đi đến đâu là đem bình an của Thiên Chúa đến nơi đó, các ngài được gọi là những người biết kiến tạo hoà bình, nên các ngài được gọi là con Thiên Chúa.
Các ngài bị bắt bớ, bị đánh đập, bị tra tấn, bị tù đày vì các ngài sống và tin vào Đức Chúa Giê-su, Đấng sẽ ban Nước Trời cho những kẻ tin vào Ngài, nên các ngài đã được Nước Trời làm của mình sau khi từ giã cõi đời tạm này...

Anh chị em thân mến,
Các thánh nam nữ đều là những con người như chúng ta, các ngài đã trở nên những vị thánh thì chúng ta cũng có thể trở nên thánh như các ngài, bởi vì nên thánh là đòi hỏi của Phúc Âm và là mục đích sống ở đời của chúng ta –những người Ki-tô hữu.

Xin Đức Mẹ Ma-ri-a và các thánh nam nữ trên thiên đàng cầu bàu cho chúng ta, là những người đang trên đường đi về quê trời, được noi gương của các ngài biết quyết tâm đổi mới cuộc sống của mình, biết đứng dậy khi ngã xuống trong tội, biết phục vụ và tha thứ cho nhau trong tình yêu của Thiên Chúa.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Hạc cũng làm hư đạo



HẠC CŨNG LÀM HƯ ĐẠO
Lưu Uyên Tài có nuôi hai con chim hạc, mỗi lần có khách đến, bèn chỉ hai con hạc nói cách khoe khoang:
-         “Đây là hai con chim tiên ! Tất cả loài cầm thú đều đẻ trứng, còn nó thì lại mang thai”.
Nói chưa dứt lời, thì người làm vườn đến báo cáo:
-      “Con hạc hồi hôm đẻ một trứng to như trái lê”.
Lưu Uyên Tài mặt đỏ như uống rượu quát mắng tên làm vườn, nói:
-      “Mày cả gan dám phỉ báng hạc tiên à !”
Sau đó cùng với khách đi ra coi xem sao.
Con hạc đang xòe hai cánh nằm sấp trên đất, Lưu Uyên Tài rất là kinh ngạc cầm cây dọa nó để nó đứng dậy, nhưng ngay lúc đó đột nhiên con hạc đẻ thêm một cái trứng nữa.
Lưu Uyên Tài thở dài nói:
-         “Ai dà, chim hạc ngày nay cũng làm bại hoại đạo tiên mất rồi !”         
                                          (Lãnh Trai Dạ Lạc)
Suy tư:
     Chim hạc được ví như là trường thọ, người ta hay nói “tuổi hạc” để nói đến những người sống thọ, nó cũng thường được cặp với tiên, “tiên hạc” để chỉ sự sống lâu và cốt cách thanh cao của nó.
     Kẻ lãng du trần tục khi nhìn thấy cốt cách thanh cao toát ra sự thánh thiện của các nữ tu, cũng làm cho tâm hồn họ xúc động và cảm phục khi nhìn thấy tinh thần phục vụ trong yêu thương của các chị.
     Người ta sẽ chọn một nữ tu để chăm sóc bệnh nhân hơn là một cô y tá; người ta sẽ đem con cái của họ gởi vào nhà trẻ do các nữ tu dạy dỗ hơn là gởi cho các cô giáo dạy trẻ; người ta cũng sẽ rất dễ dàng nhận ra Đức Chúa Giê-su nơi các nữ tu hơn bất kỳ người nào khác vì sự dịu dàng tận tâm phục vụ, quảng đại và bác ái của các chị.
     Thời nay có một số nữ tu rất đài các, cung cách phục vụ rất tiểu thư, và kênh kiệu như các bà hoàng, họ đã làm cho người ta hiểu sai về đời sống tận hiến của các nữ tu.
     Thời nay cũng có một số nữ tu tự cho mình là “người của Chúa” nên luôn tách ra và “đứng” trên mọi người khi đến phục vụ trong giáo xứ, bởi vì thay vì phục vụ thì họ lại bắt người khác phải phục vụ mình, họ đã làm cho người ta hiểu sai về tinh thần phục vụ vô vị lợi của các nữ tu...
     Không ai nhìn một linh mục mà nói giống Đức Mẹ Ma-ri-a, nhưng khi người ta nhìn một nữ tu, thì lập tức người ta liền nghĩ đến Đức Mẹ Ma-ri-a, bởi vì các nữ tu là những người đã và đang noi gương phục vụ cách khiêm tốn của Mẹ, bởi vì các nữ tu là –có thể nói- Đức Mẹ Ma-ri-a thứ hai, đang sống, đang phục vụ các chi thể đau khổ của Đức Chúa Giê-su là các bệnh nhân và những người bất hạnh trong thế giới hôm nay.

     Các nữ tu cũng là những con người như các thiếu nữ khác, nhưng các nữ tu có cốt cách “tiên nữ” vì đã quảng đại dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa để phục vụ tha nhân, đó chính là điểm nổi bật làm cho các nữ tu hơn các thiếu nữ khác ở đời này vậy, bằng không thì các nữ tu cũng sẽ làm ”hư đạo” vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Chữ thảo của thừa tướng



CHỮ THẢO CỦA THỪA TƯỚNG
Trương thừa tướng rất thích viết loại chữ thảo, nhưng càng viết thì càng không ra thể thống gì, người ta cười chế nhạo ông, nhưng thừa tướng lại không để ý đến chuyện cười cợt ấy.
Một hôm, đột nhiên ông ta chợt nhớ đến một câu thơ nổi tiếng, bèn kêu đem giấy mực lại, phấn chấn viết như phượng múa rồng bay nét chữ thảo đầy cả trang giấy.
Sau đó ông ta bảo đứa cháu sao chép lại câu thơ ấy, khi chép đến những nét quái dị thì đứa cháu không nhìn ra được là chữ gì, bèn ôm cả bản thảo đi tìm ông để hỏi.
Thừa tướng tỉ mỉ nhận từng chữ rất lâu, nhưng ngay cả mình viết mà cũng không biết là chữ gì, bèn trách mắng đứa cháu:
-         “Tại sao mày không đến hỏi sơm sớm chút xíu hả, để đến nổi ta quên mất tiêu rồi !”
                                           (Lãnh Trai Dạ Lạc)
Suy tư 62:
     Người Kitô-hữu-có-đức-tin thì luôn nhận ra ý Chúa trong người anh em của mình, bởi vì Thiên Chúa thì không hiện ra để dạy bảo chúng ta, nhưng qua người anh em chị em, qua các biến cố và hoàn cảnh Ngài nói cho chúng ta biết thánh ý của Ngài, các thánh tổ phụ trong thời Cựu ước cũng như các thánh trong thời Tân ước đều hiểu như thế, nên các ngài đã nên thánh vì vâng theo thánh ý Chúa.
     Người Ki-tô hữu ngày hôm nay cũng hiểu như thế, nhưng hể ai nói đến cái sai của mình thì gân cổ lên mà bào chữa, dù rằng cái sai đã rành rành ra đó.
     Các tu sĩ nam nữ ngày hôm nay cũng hiểu như thế, nhưng cũng có một số người ở trong “nhà Đức Chúa Trời” không hề thấy ra cái sai lầm của mình trong cung cách sống với mọi người. Khi họ được nghỉ phép về nhà thì bắt người trong gia đình phải lo cho họ một phòng riêng để đọc kinh, khi mà trong nhà anh em chỉ có chỗ để ngủ chung với nhau; phải có phòng tắm riêng để tắm khi mà anh em trong nhà phải ra giếng tắm; họ đòi phải có thời giờ ngủ trưa, đừng làm ồn khi họ nguyện ngắm, khi mà trong nhà cháu chắt em út phải học hành, làm việc mệt nhọc...
     Các linh mục ngày hôm nay cũng hiểu như thế, nhưng hể giáo dân góp ý không đúng với kế hoạch của mình thì quát tháo, nạt nộ ầm lên và tuyên bố: “Ai là cha sở ở đây ?”

     Tôi cũng hiểu như thế, nhưng đã nhiều lần trong cuộc sống tôi đã vì “cái tôi” của mình mà la lối thóa mạ anh em chị em của tôi; tôi cũng đã hiểu như thế và tôi cũng đã giảng dạy cho giáo dân của tôi như thế, nhưng chính tôi đã là người đầu tiên không nhìn thấy thánh ý của Chúa nơi những lời góp ý chân thành của người khác, vì tôi “sống rất tháo” nên không nhớ những gì mình đã biết đã học và đã gảng dạy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư 

Đứng sau Tôn Sơn


ĐỨNG SAU TÔN SƠN
Thời nhà Tống có một thư sinh tên là Tôn San, nói nămg rất là dí dỏm.
Năm nọ, cùng với con của người hàng xóm đi lên kinh thành để thi, ngày niêm yết bảng, Tôn Sơn coi tên mình xếp cuối danh sách của bảng, và đứa con của người hàng xóm thì không có tên trong bảng (thi không đỗ).
Tôn Sơn cấp tốc chạy về nhà trước. Người hàng xóm hỏi thăm tin tức về con của họ, Tôn Sơn cười nói:
-         “Tên nằm cuối bảng là Tôn Sơn, còn tên anh ấy thì lại xếp sau Tôn Sơn”.
                                           (Quá Đình lục)
Suy tư 61:
     Hồi còn nhỏ học giáo lý với các Xơ dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (Phú Xuân) - Huế , các Xơ dạy chúng tôi –những học sinh lớp bốn- rằng: mỗi người đều có một thiên thần hộ thủ bên phải và một tên quỷ bên trái, khi chúng ta phạm tội làm điều ác, thì ma quỷ sẽ ghi vào sổ đen của chúng nó để tố cáo chúng ta trước mặt Thiên Chúa; khi chúng ta làm một điều lành, một việc thiện thì thiên thần hộ thủ sẽ ghi vào bảng vàng để trình trước tòa thiên Chúa khi chúng ta chết đi...
     Bài học giáo lý sơ đẳng mà dể hiểu ấy, cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, và mỗi khi làm được một việc lành thì tôi luôn nghĩ đến bảng vàng mà thiên thần hộ thủ sẽ ghi vào các việc lành của tôi, và nếu trong bảng vàng không có, thì có nghĩa là bên sổ đen của ma quỷ đã ghi đầy điểm xấu của tôi. Thật là đáng sợ.
     Mỗi người Ki-tô hữu đều có một bảng vàng sáng chói của ngày lãnh bí tích Rửa tội, bảng vàng này sẽ được đối chiếu với sổ hằng sống trên trời khi chúng ta đến trước tòa phán xét.

Nếu bảng vàng của tôi trở thành tấm bảng đen thui thì sao nhỉ ? Thật khủng khiếp !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư