Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

Chúa nhật 28 thường niên


CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 22, 1-14.
“Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới.”

Anh chị em thân mến,
Không ai đi dự đám cưới mà không mặc áo đẹp, không ai đi dự đám cưới mà không bày tỏ niềm vui -ít là ngoài mặt- bởi vì như thế là tôn trọng và quý mến chủ nhân và cô dâu chú rể. Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã kể cho chúng ta nghe một câu chuyện rất thú vị về đám cưới của một hoàng tử, để hướng dẫn chúng ta đến một tiệc cưới Nước Trời vĩnh hằng hạnh phúc.

So sánh đám cưới trần gian và tiệc cưới thiên quốc
a. Những điểm giống nhau giữa đám cưới của thế gian và tiệc cưới thiên quốc :
-Có khách mời, mà khách mời đủ mọi thành phần trong xã hội.
-Có những thức ăn và thức uống ngon, hảo hạng.
-Mọi người đều vui vẻ khi tham dự tiệc cưới.
-Mặc áo quần đẹp.

b. Những điểm không giống nhau giữa đám cưới trần gian và tiệc cưới thiên quốc :
-Chủ mời là Thiên Chúa và khách mời là tất cả mọi người trên thế giới, không hạn chế, không phân biệt giai cấp.
-Thức ăn thức uống chính là Mình Máu thánh của Đức Chúa Giê-su.
-Phải mặc lễ phục đặc biệt dành cho tiệc cưới là bí tích Rửa Tội.

Qua so sánh trên, chúng ta đều cảm nghiệm được rằng, hằng ngày chúng ta đều được tham dự tiệc cưới thiên quốc với tất cả lòng tri ân và yêu mến. Chúng ta đều thấy Thiên Chúa rất mực yêu thương nhân loại và cách riêng yêu mến chúng ta.

Tham dự tiệc cưới thiên quốc là tham dự vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa qua việc yêu mến Thánh Thể và phục vụ tha nhân.

Anh chị em thân mến,
Được Thiên Chúa –qua Giáo Hội- mời gọi đến tham dự tiệc cưới thiên quốc, cũng có nghĩa là được mời cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài trong cuộc sống bằng việc tôn sùng và yêu mến Đức Chúa Giê-su Thánh Thể và phục vụ tha nhân của chúng ta là những người Ki-tô hữu, do đó mà chúng ta phải có bổn phận làm cho tiệc cưới thiên quốc hiện hữu ngay trong chính môi trường mà chúng ta đang sống.

Khi chúng ta sống vui vẻ hòa thuận với mọi người là chúng ta đem niềm vui của tiệc cưới thiên quốc trao ban cho mọi người; khi chúng ta chân thành nói lời an ủi và chia sẻ với tha nhân những niềm vui nỗi buồn, là chúng ta đem niềm vui tiệc cưới thiên quốc mà chúng ta tham dự khi dâng thánh lễ trao ban cho mọi người...

Ai tham dự tiệc cưới Nước Trời tức là thánh lễ mà không muốn hoặc thờ ơ với sứ mạng rao giảng là người phản bội lại tình yêu đã được ký kết bằng giá máu của Đức Chúa Giê-su trên thánh giá, họ trở thành khách qua đường bàng quan với sứ mệnh được giáo phó cho họ trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, đó là trở nên môn đệ của Đức Chúa Giêsu Ki-tô.


Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả  chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Kẻ cướp phun nước


KẺ CƯỚP PHUN NƯỚC
Có một tên cướp, mặc dù võ công không được cao cường cho mấy, nhưng cũng thường thường đắc thủ, là bởi vì hắn ta trước khi đánh người thì ngậm đầy một bụm nước trong miệng, đợi lúc đánh lộn, thì bất thình lình phun nước vào mặt đối phương, lợi dụng thời cơ ấy mà được thắng.
Về sau, có một tráng sĩ biết chiêu thức của hắn ta, nên khi gặp mặt, đợi khi tên cường đạo chưa kịp giở lại trò cũ thì đâm một đao vào cổ họng hắn.
Lần này, hắn ta không còn phun ra nước, mà là phun ra máu.
                                                                (Mộng Kê bút đàm)

Suy tư:
        Đọc truyện võ hiệp của Kim Dung chúng ta thường thấy rất rõ nội dung chính của câu truyện là hai phe chánh và tà tranh nhau ngôi bá chủ võ lâm. Phe chánh được gọi là quân tử luôn dùng những chiêu thức quang minh chính đại, phe tà thì luôn dùng những thủ đoạn, những đòn thế ác độc, có khi dùng những thủ đoạn đê tiện để thắng đối phương.
        Đời sống tâm linh của các linh mục tu sĩ nam nữ cũng như thế, các vị ấy là đại biểu cho cái quang minh chính đại, tức là sự sáng chiếu soi tâm hồn mọi tín hữu và của mọi người. Khi nơi các linh mục tu sĩ nam nữ không còn sự sáng nữa, thì các vị ấy cũng chỉ là những “phèn la rỗng tuếch” mà thôi.
        Nhìn vào một nữ tu, người ta nhận ra nơi các chị có một nét sáng ngời của sự đơn sơ và khiêm tốn trong cung cách ăn nói và phục vụ, làm cho họ quên đi những ưu tư trong cuộc sống.
        Nhìn các thầy đại chủng viện mỗi thứ bảy và chủ nhật đi giúp xứ hay làm công tác xã hội, người ta liền nhận ra ngay nơi các thầy ấy có một sức sống mới lạ lùng, sức sống tươi trẻ, yêu đời lạc quan, làm cho họ cảm thấy cuộc sống còn có những người tràn trề hy vọng, khiến họ vững tin hơn trong cuộc sống đời thường của mình.
        Và quan trọng hơn chính là các linh mục, trong thời đại ngày nay các ngài là nhân tố cho nhiều chống đối từ bên trong (giáo dân) và bên ngoài (xã hội), lấy đức tin mà nói thì Thiên Chúa đang sàng lọc Giáo Hội của Ngài qua các linh mục, người ta bài trừ linh mục, chống đối linh mục, vì linh mục chưa thực sự sống Tin Mừng mà các ngài đang rao giảng, vì linh mục đã làm tắt ánh sáng của Chúa trong mình, đã tục hóa thánh chức mà các ngài đã lãnh nhận.

        Nhưng không phải ai cũng chống đối các linh mục, bởi vì có rất nhiều người cảm thông và cảm nghiệm sâu sắc đời sống của các linh mục là hy sinh và quảng đại. Chính và tà đang chiến đấu trên con người của linh mục, ân sủng và sự dữ đang thử thách linh mục, nhưng cuối cùng chính phải thắng và tà phải thua, bởi vì linh mục chính là Đức Ki-tô thứ hai, nếu mỗi linh mục học theo gương của Đức Chúa Ki-tô: hiền lành, khiêm tốn và nhân từ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viet suy tư 

Gian ngoan thì thiệt thòi


GIAN NGOAN THÌ THIỆT THÒI
Thời nhà Tống, Lý Sĩ Hoành nhậm chức trong nội các viện, có lần đi sứ ở Cao Ly, lại có tên vũ trang đảm nhậm chức phó sứ. Phía bên Cao Ly tặng rất nhiều của cải vật chất làm lễ phẩm, Lý Sĩ Hoành không muốn nhận, nên đưa cho tên quan phó sứ trong coi.
Hôm ấy phía dưới thuyền xuất hiện một khe hở nên bị rò nước, tên phó sứ đem đồ tơ lụa của Lý Sĩ Hoành bỏ dười thuyền, sau đó đem đồ của mình bỏ lên trên để khỏi bị ướt. Thuyền ra đến giữa biển, sóng to gió lớn, thuyền lại quá nặng nên rất nguy hiểm, thuyền viên yêu cầu đem tất cả các đồ vật quăng xuống biển, nếu không thì thuyền sẽ chìm và người sẽ chết. Tên phó sứ cũng cuống quýt, bèn gấp gấp đem đồ trên thuyền quăng xuống biển, khi đồ vật bị quăng xuống biển khoảng một nửa thì sóng yên gió lặng, thuyền lại ổn định như trước.
Sau đó kiểm tra lại đồ đạc, thì thấy tất cả đồ đạc bị quăng xuống biển đều là của tên phó sứ, còn những đồ vật của Lý Sĩ Hoành vì bỏ dưới đáy thuyền, nên chỉ bị ướt một chút xíu không đáng kể.
                                                        (Mộng Khê bút đàm)

Suy tư:
        Người ta thường nói tham thì thâm.
        Theo sách Đại từ điển Viêt Nam giải thích “tham thì thâm” là tham lam quá mà mang họa vào thân.
        Nhưng giải thích sát nghĩa hơn theo kiểu nhà đạo thì có nghĩa là người tham lam thì luôn có tâm hồn thâm hiểm, xét cho rốt ráo thì cũng đúng.
        Người tham lam thì luôn tìm dịp để chiếm đoạt của người khác, họ luôn dùng những mưu thâm chước quỷ để chiếm cho bằng được cái mình thích, kể cả giết người.
        Người tham lam thì tâm hồn luôn nghĩ đến của cải của người khác, dù người đó là bạn bè nối khố, dù người đó là anh chị em ruột thịt, dù người đó là người trong cùng một cộng đoàn. Tính tham lam làm cho con người ta không thấy được danh dự của cá nhân, cũng chẳng thấy được danh dự của cộng đoàn, dĩ nhiên cũng không thấy được Chúa trong tha nhân, trong anh chị em là người thân cận của họ. Mà không thấy Chúa tức là thấy...ma quỷ, mà ma quỷ thì chắc chắn là không ở trên thiên đàng, nó ở trong hỏa ngục.
        Đức Chúa Giê-su kêu mời chúng ta sống bác ái với tha nhân, tức là với người thân cận của mình.
        Sống bác ái tức là đem những gì mình có, mình thích tặng cho người khác : mình có của cải thì tặng của cải, mình có danh dự thì tặng danh dự, mình có nụ cười thì tặng nụ cười, mình có tài năng thì tặng tài năng, tóm lại là ai cũng có cái để tặng cho người khác, nếu ai cũng làm như thế thì quỷ tham lam nhất định sẽ không có đất mà sống, có nghĩa là nó không thể lợi dụng tâm hồn của chúng ta mà tham lam của người khác, bởi vì ai cũng có cái để mà tặng cho tha nhân.

        Tính tham lam rất đối chọi với bác ái, vậy thì chúng ta dại gì mà không lấy bác ái để trị tính tham lam trong tâm hồn chúng ta chứ ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viet suy tư 

Ngụy Minh làm thơ


NGỤY MINH LÀM THƠ
Triều đại nhà Đường có một người tên là Nguỵ Minh rất thích làm thơ, nhưng làm không hay, thơ của ông ta viết tất cả là một trăm câu, nhưng lại rất dở.
Có một lần, ông ta đem thơ của mình đi thỉnh giáo với Hàn Hy Tải, Hàn Hy Tải giả đò nói mắt mình lèm nhèm nên nhìn không rõ lắm, bèn thuận tay bỏ tập thơ trên bàn.
Ngụy Minh nói:
-      “Như vậy thì để tôi ngâm cho ngài nghe nhé !”
Hàn Hy Tải nói:
-              “Mấy ngày nay tai tôi cũng không được thính cho lắm”.
Ngụy Minh mặt mày ửng đỏ bỏ đi.
                                                                (Thiện Huyết tập)

Suy tư:
        Không một ông thầy nào lại nở lòng dững dưng trước lời thỉnh giáo của học trò xin họ chỉ giáo ; không một người nào có thể chối từ lời van xin của người thành thật khi họ xin mình chỉ bảo...
        Thơ của Ngụy Minh làm tuy không hay, nhưng ông ta đã rất thành thật xin người tài giỏi chỉ bảo, đó là người khiêm tốn biết mình biết người ; Hàn Hy Tải là người tài giỏi, nhưng đã từ chối lời thỉnh cầu của người khác, ông ta đã trở thành một người kiêu ngạo, ông ta chỉ biết mình chứ không biết người, có nghĩa là ông ta chỉ biết mình tài giỏi mà không biết người khác có tâm hồn ngay thẳng.

        Thiên Chúa là Đấng toàn năng, nhưng Ngài vẫn cứ cúi xuống để lắng nghe lời của nhân loại cầu xin, lời cầu nguyện của nhân loại Ngài không thuận tay bỏ trên bàn, và cũng chẳng bịt tai để khỏi nghe, nhưng Ngài đã ôm nhân loại vào lòng và sẵn sàng ban ơn cho họ, Ngài đã dạy chúng ta một bài học, đó là khiêm tốn và phục vụ.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viet suy tư 

Giả, Dủ cười nhau


GIÃ, DŨ CƯỜI NHAU

Phụ thân của Dũ Thuần đã có làm lính gác cổng, ba của Giã Sung đã làm nghề buôn bán giới thiệu (sản phẩm), Dũ Thuần và Giã Sung là đôi bạn thân.
Có một lần, Giã Sung chuẩn bị rượu để mời Dũ Thuần cùng các bạn khác uống, đợi rồi đợi, Dũ Thuần gần tối mới đến, Giã Sung liền cười nhạo nói : “Thường ngày anh hay đi trước người khác, hôm nay sao lại lọt phía sau người ta chứ ?”
Dũ Thuần cũng không kém, nói : “Vừa đúng lúc gặp chuyện buôn bán, cho nên đến chậm một bước”.
                                                                (Thiện Huyết tập)

Suy tư :
        Thời đại công nghiệp, cái quý nhất chính là thời giờ, và cái người ta lãng phí nhất cũng chính là thời giờ.
        Không có gì bực mình và khó chịu khi thức ăn đã dọn sẵn mà khách chưa tới, như thế khách đã lãng phí thời giờ của chủ nhà và những người khách khác, có khi làm ngưng trệ các công việc khác của người ta.
        Có người đã chửi thề vì đến tham dự trể một buổi hòa tấu nhạc thính phòng ; có người chép miệng tiếc rẻ vì thời gian đi quá nhanh khi cuộn phim đang coi xuất hiện chữ The end ; lại có người coi xong cuộn phim thì vò đầu giựt tóc nói ngày mai đi coi lại vì thời giờ đi mau quá coi không đả...
        Thánh lễ là một bữa tiệc vui vẻ của Nước Trời, thức ăn ngon (Thánh Thể và Lời Chúa) đã dọn sẵn, nhưng có rất nhiều giáo hữu đến trể : có người đến khi linh mục đã giảng xong, có người đến khi dâng lễ vật và thậm chí có người đến khi chuẩn bị rước lễ... những người giáo hữu này đã lãng phí vô ích thời giờ quý báu mà các linh hồn trong luyện ngục rất ước ao mà không được.
        Một thánh lễ trung bình là một giờ, một giờ có sáu mươi phút, sáu mươi phút chỉ là một chớp mắt khi coi một cuộn phim hay, nhưng đối với những giáo hữu coi thánh lễ như là một giờ ép buộc, thì đối với họ, sáu mươi phút của một thánh lễ thì dài như sáu năm !

        Họ không biết phân biệt đâu là thời giờ của hạnh phúc và đâu là thời giờ của đau khổ...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viet suy tư 

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

Lễ Mân Côi


LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
(Ngày 7 tháng 10)

Tin Mừng: Lc 1, 26-38.
“Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai.”

Anh chị em thân mến,
Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi, để kính nhớ cuộc chiến thắng của các chiến thuyền Ki-tô giáo tại vịnh Lepente ngày 7 tháng 10 năm 1571, nhờ sự trợ giúp đặc biệt của Đức Mẹ Ma-ri-a qua lời cầu nguyện bằng chuổi Mân Côi của các tín hữu. Qua kinh Mân Côi, chúng ta thấy có hai yếu tố quan trọng mà Đức Mẹ Ma-ri-a rất yêu thích, đó chính là sự lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng, và suy niệm các mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Chúa Giê-su, mà Mẹ có vai trò rất đặc biệt trong chương trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.

Đức Mẹ Ma-ri-a rất yêu thích những ai đọc kinh Kính Mừng, bởi vì chính thiên thần Ga-bri-en đã cất tiếng chào mừng khi truyền tin cho Mẹ: “Kính mừng Ma-ri-a đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà…” lời cầu chúc này đã nói lên sự cung kính của thiên thần đối với một tạo vật là Mẹ được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đấng Cứu Thế là Đức Chúa Giê-su.

Khi yêu nhau, đôi bạn nam nữ thường lặp đi lặp lại điệp khúc “anh yêu em” và “em yêu anh” mà không thấy chán, không thấy thừa thải hoặc không thấy mắc cở gượng gùng, bởi vì tình yêu được phát xuất từ tấm lòng chân thật, cho nên họ sẽ sung sướng đón nhận lời lẽ yêu thương ngắn ngọn mà bày tỏ hết cả tấm lòng yêu thương của bạn mình.

Đức Mẹ Ma-ri-a cũng rất yêu thích những ai thành tâm đọc kinh Mân Côi, bởi vì nơi kinh Mân Côi này chúng ta lặp đi lặp lại không những một hai lần kinh Kính Mừng, nhưng là đọc đi đọc lại cả hai trăm lần kinh Kính Mừng như hai trăm đóa hoa hồng dâng kính Đức Mẹ. Hai trăm kinh Kính Mừng là hai mươi biến cố trong cuộc đời của Đức Chúa Giê-su khi Ngài sống ở trần gian, hai mươi biến cố này từ khi Đức Chúa Giê-su sinh ra cho đến khi Ngài lên trời và Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống và Thiên Chúa thưởng ân cho Đức Mẹ Ma-ri-a lên trời cả hồn lẫn xác.

(Hai mươi biến cố này được chia thành bốn nhóm hay là bốn “sự”: năm sự Vui, năm sự Thương, năm sự Mừng, năm sự Sáng. Mỗi sự đều có liên hệ mật thiết với Đức Mẹ Ma-ri-a là Đấng đồng công cứu chuộc loài người.)

Đã có rất nhiều lần chúng ta lần chuỗi Mân Côi mà miệng đọc như cái máy phát thanh, không hề dừng lại để suy ngắm những gì mình đang đọc; có những lúc bạn và tôi đọc kinh Mân Côi mà như sợ người khác giành giựt, cho nên chúng ta vẫn chưa hiểu và chưa yêu mến Đức Chúa Giê-su cho đủ, do đó mà chúng ta trở thành những nghi vấn cho người khác nghi ngờ về đức tin của chúng ta.

Anh chị em thân mến,
Đức giáo hoàng Phao-lô VI khích lệ chúng ta như sau: “Bản chất việc đọc kinh Mân Côi đòi hỏi nhịp điệu phải chậm rãi và có thời gian thư thả, để người ta có thời gian suy gẫm sâu xa về các mầu nhiệm cuộc đời Đức Chúa Giê-su được nhìn qua Trái Tim của Đấng gần gủi nhất với Chúa.” (Marialis Cultus, 47)

Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, bạn và tôi nên có một quyết tâm khi lần hạt Mân Côi, đó là luôn yêu mến và tin tưởng vào Đức Mẹ Ma-ri-a, để nhờ Mẹ mà chúng ta đến với Đức Chúa Giê-su -là Đấng nhờ sự vâng phục của Đức Mẹ- để nhờ kinh Mân Côi mà chúng ta trở thành những chứng nhân cho Tin Mừng và cho tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 





Chúa nhật 27 thường niên


CHỦ NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 21, 33-43
“Ông chủ sẽ cho các tá điền khác canh tác vườn nho.”

Anh chị em thân mến,
Câu kết luận của Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay thật rõ ràng minh bạch, Ngài nói: “Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

Không làm để sinh hoa lợi là người lười biếng, mà người lười biếng thì không thể gặt được thành quả của mình, đó là điều tất yếu. Nước Trời cũng chắc chắn là không có chỗ cho người lười biếng như lời thánh Phao-lô dạy: ai không làm việc thì đừng có ăn.

Lười biếng thì thường sinh ra nhiều thứ tội, mà tội thứ nhất là dễ dàng nói xấu người khác khi vô công rỗi nghề, dễ dàng phê bình chỉ trích người khác, và có khi suy nghỉ tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác. Các tá điền làm vườn nho trong bài Tin Mừng hôm nay đã manh tâm sát hại các đầy tớ của ông chủ vườn nho, bởi vì tính tham lam muốn chiếm đoạt đã thành căn cốt trong tâm hồn của những người lười biếng. Trong đời sống linh đạo tu đức của người Ki-tô hữu cũng vậy, nếu không siêng năng làm việc lành phúc đức, không đem hết tài năng mà Thiên Chúa ban cho ra để phục vụ Ngài trong tha nhân, thì ngay cả điều Ngài đã ban cho cũng sẽ bị lấy lại, bởi vì không ai cấp vốn cho người làm biếng và không biết làm việc.

Nước Trời khởi sự ngay từ thế gian này, ân sủng của Thiên Chúa ban cho con người cũng ngay tại thế gian này, để chuẩn bị cho chúng ta Nước Trời trên thiên đàng mai sau. Được trở thành tá điền trong vườn nho của Thiên Chúa (Giáo Hội) là người hạnh phúc, nhưng không muốn làm công việc của một tá điền, thì sẽ bị chủ vườn cho sa thải và rút lại tất cả các ân huệ mà họ đã được hưởng.

-      Tôi là tá điền trong vườn nho của Chúa với bổn phận và trách nhiệm là linh mục, nhưng nếu tôi không chu toàn bổn phận của một linh mục vì lười biếng và chỉ muốn được người khác phục vụ cung phụng, thì Thiên Chúa nhất định sẽ rút lại ân huệ đã ban cho tôi ngay khi tôi còn ở đời này.
-      Tôi là tá điền làm trong vườn nho của Chúa với bổn phận là một tu sĩ phục vụ tha nhân, nhưng tôi vì cái “mác” tu sĩ như “hàng hiệu”, vì sĩ diện là tu sĩ nên tôi không dám cúi xuống để rửa chân cho tha nhân, thì Thiên Chúa nhất định sẽ tính sổ với tôi ngay khi còn ở đời này và cả đời sau.
-      Tôi là một giáo hữu làm tá điền trong vườn nho của Chúa, so với những người khác thì tôi được ưu đãi nhiều về vật chất cũng như tinh thần, nhưng vì tính lười biếng thực hiện bổn phận kính mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân của mình nên tôi rất ghét những ai cần tôi giúp đỡ, Thiên Chúa nhất định sẽ hỏi tôi về những hành vi và lời nói của tôi đối với tha nhân, Ngài sẽ lấy đi những gì của tôi có, để trao cho người khác biết làm để sinh hoa lợi thiêng liêng cho anh em...

Anh chị em thân mến,
Làm trong vườn nho của Thiên Chúa tức là thực hiện ý Ngài qua bổn phận hằng ngày của mình, chính trong bổn phận của chúng ta mà Thiên Chúa làm cho ý Ngài được tỏ hiện và danh Ngài được tỏa sáng giữa muôn dân, đó là một hạnh phúc vô cùng lớn lao cho chúng ta.

Đừng trở nên người thông luật để phản bội lề luật, nhưng hãy trở nên người tôi tớ biết thực hiện ý Thiên Chúa qua cuộc sống của mình, đó là người tá điền tốt vậy !


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.