Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Uống nước nhớ nguồn


CHIA SẺ VỚI EM
“UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN”

Em thân mến,
“Uống nước nhớ nguồn” là câu ca dao không những của người Việt mình, mà hình như các dân tộc nào cũng có những câu tương tự như thế, để nói lên được tâm tình của những người hôm nay tưởng nhớ đến những bậc tiền nhân đi trước đã vì thế hệ mai sau mà xây dựng những công trình vĩ đại hoặc lớn hoặc nhỏ.v.v…

Đối với Giáo Hội cũng thế, từ những công trình này đến những công trình khác, từ những xây dựng giáo xứ này đến giáo xứ khác, mà cụ thể là giáo xứ mà em đang sống, đang sinh hoạt có được như ngày hôm nay đều là do công lao của các linh mục tiền nhiệm. Có giáo xứ đã mấy trăm năm tồn tại, có giáo xứ chỉ mấy mươi năm hoặc có giáo xứ chỉ mấy năm mà thôi, nhưng bất kể là bao nhiêu năm thì công lao gầy dựng của các cha sở tiền nhiệm thật là to lớn, thế nhưng, như có lần em hỏi anh trong dịp dự lễ an táng của một linh mục về hưu là: tại sao có rất ít giáo dân đi tham dự thành lễ an táng của ngài, mặc dù hôm đó là ngày thứ bảy, là ngày nghỉ cuối tuần ?

Trong tâm tình đó, anh xin chia sẻ với em như sau:

  1. Cha sở là gia trưởng trong giáo xứ.
Cộng đoàn giáo xứ là một Giáo Hội nhỏ tại địa phương, mà linh mục chánh xứ -chúng ta gọi là cha sở- chính là gia trưởng của đại gia đình ấy. Đã là gia trưởng thì ngài có quyền được mọi thành phần giáo dân trong giáo xứ yêu mến, vâng lời và tôn trọng như các bậc phụ huynh trong gia đình, đó chính là đạo hiếu của người Ki-tô hữu.

Là gia trưởng vì ngài thay mặt Giáo Hội, thay mặt đức giám mục coi sóc giáo xứ như một người gia trưởng; là cha vì ngài đã sinh ra chúng ta trong bí tích Rửa Tội để chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa, là mục tử vì ngài đã dẫn dắt nuôi sống linh hồn chúng ta qua bí tích Thánh Thể và các bí tích khác, để chúng ta được sống đời đời với Thiên Chúa.

Cha sở cần được giáo dân yêu mến như yêu mến như cha ruột của mình, bởi vì trong bí tích Truyền Chức Thánh, Đức Chúa Giê-su đã thánh hóa và nâng các ngài lên hàng cộng tác đăc lực của Ngài, vì thế không lạ gì khi gọi các linh mục là “Chúa Ki-tô thứ hai”; ngài cần được giáo dân vâng lời trong vấn đề đức tin và luân lý, vì những điều ấy làm cho chúng ta kết hợp mật thiết với Đức Chúa Giê-su và Giáo Hội hơn, nhất là vì đức vâng lời sẽ trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện khác, nhờ sự vâng lời cha sở mà giáo xứ ngày càng phát triển và đoàn kết hơn; ngài cần được giáo dân tôn trọng như họ đã tôn trọng phụ thân của mình, bởi vì ngoài việc ngài là linh mục ra, thì cha sở còn là người đại diện Thiên Chúa và giám mục để hướng dẫn chúng ta sống làm người Ki-tô hữu đẹp lòng Thiên Chúa.

  1. Tính liên tục của cha sở.
Trong một gia đình hể người cha qua đời thì gia đình đó coi như không còn phụ thân, nhưng đại gia đình giáo xứ thì cha sở sẽ mãi mãi nối tiếp nhau để nuôi dạy giáo dân bằng Mình Thánh Chúa và Lời Chúa, và qua các bí tích cha sở sẽ đem nguồn ân sủng của Chúa xuống trên họ. Cho nên khi đã thành lập một giáo xứ, nếu không có lý do quá đặc biệt (như chiến tranh) thì cha sở này đổi đi thì cha sở khác đến để bảo đảm tính liên tục của gia đình giáo xứ. Vì thế, không lạ gì khi sai phái một linh mục đến làm cha sở giáo xứ nào thì đức giám mục địa phận đích thân (hoặc ủy quyền cho vị đại diện ngài) đến giới thiệu với giáo dân, để tính pháp lý và để giáo dân thấy tình yêu của Thiên Chúa luôn hiện diện trong cộng đoàn Giáo Hội.

Tính liên tục của cha sở được thấy rất rõ trong nhiệm vụ cai quản thánh hóa và giảng dạy của ngài, cha sở này đi thì cha sở khác đến, cứ thế liên tục tiếp nối như sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa trong cộng đoàn giáo xứ. Mà quả thật như vậy, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã nói “ai tiếp đón các con là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

Giáo xứ không thể thiếu vắng cha sở, cũng như trong gia đình không thể thiếu vắng gia trưởng, bởi vì như một gia trưởng tận tụy vì đoàn con thế nào thì cha sở cũng vì giáo xứ mà hy sinh như vậy, cho nên không lạ gì có nhiều cha sở sống chết vì đàn chiên của mình, đó không phải là yêu thương tiếp nối yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta cách hữu hình hay sao ?

  1. Cha sở là biểu tượng Đức Tin của giáo dân.
Giáo dân sẽ sống đạo trưởng thành hơn khi cha sở của mình có một đức tin vững mạnh, đương nhiên là như thế, bởi vì cha sở là biểu tượng đức tin của giáo dân mình. Thánh Gioan Maria Vianney là một điển hình sống động, chính ngài đã làm cho một giáo xứ (họ đạo Ars) mà giáo dân hầu như mất đức tin đã trở thành giáo xứ gương mẫu, giáo dân của ngài đã tìm lại được đức tin của mình qua vị cha sở tràn đầy yêu thương và vững mạnh đức tin...

Chính giáo dân nhìn vào cha sở của mình để sống đức tin và sống đạo, có những khi chúng ta nghe được giáo xứ này có cha sở kiên cường dám chấp nhận hy sinh vì đàn chiên, giáo xứ kia cha sở có đức tin mạnh mẽ khi phải đương đầu với những cám dỗ của ma quỷ và thế gian. Hơn thế nữa, chính cha sở sẽ là người trước tiên mà giáo dân tìm đến để xin ý kiến hay nhận sự an ủi khi Giáo Hội hoặc chính bản thân họ bị bách hại hay gặp đau khổ.

Em thân mến,
Những điều anh chia sẻ trên chỉ là điểm nổi bật, còn những hy sinh khác của các cha sở mà công lao của các ngài đối với giáo dân rất là to lớn, nhất là những giáo dân của các ngài, bởi vì khi chúng ta sinh ra và cho đến khi chúng ta nhắm mắt lìa cõi đời này, thì chính cha sở sẽ là người cha linh hồn lo liệu tất cả cho chúng ta mọi sự, từ bí tích Rửa Tội cho đến thánh lễ cuối cùng (lễ an táng) cách trọn vẹn, để chúng ta được hân hoan tiến đến tòa phán xét của Thiên Chúa và được Chúa cùng toàn thể các thiên thần, chư thánh hân hoan chào đón chúng ta vào Nước Trời.

Thế nhưng, mấy ai trong chúng ta nhớ đến những công lao to lớn ấy của các cha sở ? Có những nơi khi cha sở đổi qua giáo xứ khác thì quên mất ngài, có những cha sở đã về hưu trong nhà hưu dưỡng thì có bao nhiêu giáo dân đến thăm và giúp đỡ các ngài, và đau khổ nhất là khi các ngài qua đời thì chẳng có ai biết để đọc cho các ngài một vài kinh nguyện, hoặc chí ít là đến tham dự lễ an táng của các ngài, mặc dù họ vẫn biết tin ngài qua đời.

“Uống nước nhớ nguồn” không phải chỉ là câu nói suông trên miệng hay khoe khoang chữ nghĩa của những người có chút chữ nghĩa, nhưng là một đạo hiếu, đạo làm người của con người, và hơn nữa nó còn là đạo lý cho những người có lương tâm. Người Ki-tô hữu sống đạo hiếu không phải chỉ là hiếu thảo với cha mẹ mình nhưng còn là hiếu nghĩa với các cha sở của mình nữa, bởi trong đức tin chính cha sở là cha linh hồn của mình, trong tinh thần chính cha sở là thầy dạy chân lý của mình, và trong tình cảm con người với nhau, cha sở chính là người anh an ủi và động viên mình trong đời sống con người.

Thật buồn biết bao, khi trong giáo xứ không thấy hình ảnh lưu niệm các cha sở đã đến làm cha sở trong giáo xứ, bởi vì “mắt có thấy thì lòng mới dấy”, tức là có thấy hình ảnh các ngài thì lòng giáo dân mới tưởng nhớ và cầu nguyện cho các ngài, và càng buồn hơn nữa khi có rất ít giáo dân nhớ đến ngày giỗ của các ngài để dâng lễ cầu nguyện cho các ngài.

“Uống nước nhớ nguồn” không chỉ dành riêng cho giáo dân mà thôi, nhưng còn dành cho các linh mục chánh xứ nữa, bởi vì nếu các ngài không nhắc nhở giáo dân nhớ đến các cha sở đã qua đời hoặc đã đổi qua xứ khác để cầu nguyện cho các ngài, thì giáo dân sẽ ít người nhớ đến; nếu các linh mục chính xứ nhớ đến các vị tiền nhiệm của mình (dù đã qua đời hay còn sống) mà lưu giữ các hình ảnh của các ngài và để vào một nơi trang trọng trong nhà xứ, thì chắc chắn giáo dân cũng sẽ nhớ đến mình sau này, bởi vì việc làm tốt lành thì cứu được nhiều linh hồn và giúp ích cho những người khác vậy.

“Uống nước nhớ nguồn” chính là lòng biết ơn của chúng ta –những giáo dân- đối với các cha sở của mình, lòng biết ơn này không có gì đẹp và cao quý cho bằng cầu nguyện cho các ngài để các ngài làm tròn bổn phận mà Chúa đã giao phó cho các ngài khi còn sống, và khi đã qua đời thì “càng cao danh vọng càng nhiều gian nan” nên lời cầu nguyện của chúng ta sẽ an ủi linh hồn các ngài...

2014/10/02 ngày giỗ mãn tang cha cố I-nha-xi-ô
Nghĩa tử: Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.



Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

Mù con mắt


MÙ MỘT CON MẮT
Lương Nguyên đế bị mù một con mắt, nên rất ngại người ta nói đến chuyện mù mắt, dù cho người khác trong lúc ăn nói mà tình cờ nói có liên quan đến chuyện mù mắt thì cũng rất hận họ.
Lúc ông ta làm Tương Đông vương, đứng trên cung điện nhìn ra xa, quan hầu nhìn thấy phong cảnh trữ tình bèn nói:
-              “Phong cảnh hiện giờ thật có thể nói là con của đế giáng lâm giữa miền bắc.
Lương Nguyên đế trong lòng lập tức nghi ông ta nói giễu mình, bèn truy hỏi:
-      “Ông mới nói mắt ta bị mù à ?”  .
                                                                (Thiện Huyết tập)

Suy tư :
        Cái mà làm cho hạnh phúc gia đình tan vở, tình nghĩa vợ chồng càng ngày càng lạnh nhạt chính là sự nghi kỵ lẫn nhau; cái mà làm cho tình bạn hữu trở thành thù địch chính là sự nghi kị lẫn nhau; cái mà làm cho tình cảm giữa con người với nhau bị sức mẻ cũng chính là sự nghi kị lẫn nhau.
        Vua Hê-rốt nghi kỵ vị vua nhỏ -Đức Chúa Giê-su- mới sinh ra sẽ chiếm đoạt ngai vàng của mình, nên đã giết tất cả trẻ em từ hai tuổi trở xuống; quan tổng trấn Phi-la-tô vì nghi ngờ sự thật nơi Đức Chúa Giê-su nên đã hỏi Ngài: “Sụ thật là gì ?”
        Nghi kỵ lẫn nhau là cửa ngõ đi vào bóng đêm của tội lỗi, cho nên ở đâu có nghi kỵ là ở đó có sự dữ phát sinh và chắc chắn là không có tình thương chân thật.

        Người Ki-tô hữu là người sống không nghi kỵ với anh em chị em mình, bởi vì họ đã thực hành lời của Đức Chúa Giê-su dạy: “Có thì nói có, không thì nói không”, hơn nữa, mỗi ngày khi đón nhận bí tích Thánh Thể là họ thêm xác tín rằng trong Đức Chúa Ki -tô, họ đã trở nên một, do đó mà khi họ nghi kỵ anh em chị em là họ nghi kỵ chính bản thân của mình, và xúc phạm đến tình yêu của Thiên Chúa nơi bí tích Thánh Thể là bí tích yêu thương, bởi vì chính Ngài đã trở nên lương thực nuôi sống thân thể và các chi thể của Ngài là Giáo Hội và mỗi người trong chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viet suy tư 

Khôi hài của Trần As


KHÔI HÀI CỦA TRẦN Á
Trần Á tính rất khôi hài, sau khi đến châu Nhuận để làm quan, trong đám bộ hạ có một người thân tín tên là Thượng Quan Bật (), Thượng Quan Bật sắp đến ngày về hưu, cho nên trước khi về hưu thì đến thăm Trần Á, Trần Á liền nói với ông ta:
-              “Ông và tôi thường ngày thì rất quen biết, lần này thì đi thật rồi, có gì cần nói xin cứ nói !”
Bật nghĩ tới nghĩ lui, nói:
-              “Ngài ạ, tài đức không thể vạch lá tìm sâu, chỉ là bình nhật giọng cười có khi quá trớn mà thôi !”
Trần Á cười lớn nói:
-              “Ngài là thượng quan mũi[1], làm thế nào mà quản hạ quan miệng được chứ ?”.
Thượng Quan Bật cười và bỏ đi.
                                                        (Thuẩn Trai Nhàn Hiền)
Suy tư:
        Tài đức không thể đi vạch lá tìm sâu, càng không thể đem ra làm trò đùa cho thiên hạ, cái mà thường ngày không để ý tới, chính là cái mà khiến cho người có lương tâm chân chính không thể không áy náy, đó chính là những điều mà ta vô tình hoặc vô ý nói ra làm cho người khác đau khổ, cái vô tình vô ý đó, chính là những tội thiếu sót trong lời nói và hành động của chúng ta vậy. Tội thiếu sót này không ai tránh khỏi, kể cả những người được gọi là công phu tu dưỡng cao như các linh mục, các dì phước, hoặc là làm ông này bà nọ trong xã hội, chẳng hạn như có người vì tự ái mình là người có địa vị, nên mặc dù có một vài lời nói phương hại đến anh em chị em, nhưng không bao giờ xin lỗi, vì như thế là sẽ bị mất danh dự; có người cười hô hố trong phòng bệnh nhân; có người nói lời đùa cợt vô tình khiến cho người khác nghe mà cảm thấy bị tổn thương...
        Mọi vui đùa khôi hài “thái quá” thì dễ dàng đi đến hành vi tội lỗi, cho nên hãy tự biết kiềm chế mình trong mọi hoàn cảnh, trong lời nói và hành động để khỏi vô tình làm tổn thương đến tha nhân.



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viet suy tư 

[1]  (“bật” ﹝弼﹞ và “mũi”﹝鼻﹞ phát âm là “bi” gần giống nhau), đồng âm khác nghĩa.

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Chúa nhật 26 thường niên


CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 21, 28-32
“Nó hối hận, nên lại đi. Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”.

Anh chị em thân mến,
Khi Đức Chúa Giê-su giảng dạy thì có rất nhiều người đi theo nghe Ngài giảng, trong đó có những người thông luật, những người biệt phái và các kinh sư, cũng có những người thu thuế, những người tội lỗi, người giàu có cũng như người nghèo, tắt một lời là có đủ mọi thành phần trong xã hội đi nghe Đức Chúa Giê-su giảng dạy, nhưng:

Chỉ có những tư tế, người biệt phái và các kinh sư chống đối, bắt bẻ những lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su, họ là những người thông thạo lề luật Môi-sen và giữ vai trò quan trọng trong tôn giáo là tế lễ và giảng dạy dân chúng. Họ chống đối Đức Chúa Giê-su vì những lời giảng dạy của Ngài đã làm cho họ cảm thấy bị bẻ mặt, vì lời chỉ trích của Ngài rất đúng với những việc họ đã làm, nhưng điều cốt lõi của việc chống đối chính là sự kiêu ngạo của họ, sự kiêu ngạo này đã làm cho họ đi đến một hành động ác nhân hơn, đó là tố cáo và đóng đinh Đức Chúa Giê-su trên thập giá…

Chỉ có những người tội lỗi, những người nghèo khó và những người có tâm hồn thiện chí, thì dễ dàng tiếp thu lời giảng dạy và biết thi hành lời của Đức Chúa Giê-su, họ là những người bị áp bức đang chờ đợi sự giải thoát chân thật bởi lời giảng dạy của Ngài; họ là những người bị đối xử bất công đang tìm kiếm sự công bằng trong lời giảng của Ngài; họ là những người nghèo khó đang tìm kiếm hạnh phúc không phải nơi vật chất, nhưng là nơi lời giảng dạy của Ngài.

Anh chị em thân mến,
Tất cả mọi người đều được Đức Chúa Giê-su mời gọi vào làm trong vườn nho của Thiên Chúa, nhưng có người từ chối và có người tình nguyện.

Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su hôm nay cũng đang bị chống đối, bởi vì những lời giảng dạy của Giáo Hội như ngọn lửa thiêu đốt những kiêu ngạo, và những đòi hỏi sống tự do phóng túng của một số người trong Giáo Hội, họ là những người được chọn để rao giảng chân lý nhưng họ gieo rắc lầm lạc, họ là những người được chọn để sống gương mẫu nhưng họ sống như những trào lưu thế tục, và chính họ đã trở thành công cụ đắc lực của sa tan để chống phá Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su tại trần gian này.

Tiêu chuẩn để vào Nước Trời chính là những ai thành tâm thiện chí nghe và thực hành lời giảng dạy của Đức Chúa Giê-su qua Giáo Hội với lòng yêu mến, chứ không phải vì mình là đạo gốc, cũng không phải vì là linh mục hay tu sĩ. Bởi vì có những người tín hữu đạo gốc nhưng thường chống đối Giáo Hội và sống lãnh đạm với bổn phận của mình; bởi vì có những linh mục sống tham sân si không làm gương sáng với chức vụ thánh của mình, bởi vì cũng có những tu sĩ nam nữ sống rất kiêu ngạo và trở thành cái đinh nhức nhối cho giáo hữu…


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Hàm dưới trống trãi


HÀM DƯỚI TRỐNG TRẢI
Có một viên quan tuổi tác đã cao, ngay cả râu ria cũng có khá nhiều sợi bạc, nhưng ông ta vẫn lấy thêm vài bà vợ nhỏ. Một hôm, ông ta kêu vợ lớn vợ bé lại, bắt họ nhổ tất cả các sợi râu bạc cho ông.
Vợ lớn sợ rằng nếu nhổ sạch các sợi râu bạc, thì ông ta sẽ trẻ lại và được các bà vợ nhỏ thích, còn mình sẽ thất sủng, bèn nhổ tất cả các sợi râu đen dưới cằm của chồng; còn các vợ nhỏ thì thích viên quan trẻ lại, thế là nhổ sạch các sợi râu bạc của ông ta.
Không bao lâu, dưới cằm của viên quan trống trải, một sợi cũng không còn !
                                                        (Thuẩn Trai Nhàn Hiền)
Suy tư:
        Hạnh phúc nhất của con người là yêu và được yêu.
        Đau khổ nhất của con người là bị phản bội, nhất là phản bội tình yêu.
        Thiên Chúa thấy rất rõ điều ấy nơi con người, nên Ngài chỉ tạo dựng có một nam và một nữ, rồi ra một quyết định bất di bất dịch để đem lại hạnh phúc cho con người, đó là: một vợ một chồng.
        Nhưng thời nay có những người đàn ông có tính hay “thòm thèm”, không phải thòm thèm nhậu nhẹt với bạn bè, cũng không phải thòm thèm cao lương mỹ vị, nhưng thòm thèm vợ của người khác, thòm thèm kiếm thêm bồ nhí để tự mình phá vỡ hạnh phúc mà mình đã xây dựng lâu nay, đó là phá vỡ hạnh phúc gia đình.
        Thời nay cũng có những cô gái trẻ thích kiếm những đàn ông có danh giá địa vị trong xã hội, những ông có tiền của, những ông lớn tuổi để có tiền tiêu xài, mà những bậc này thì thường là vợ con đùm đề, cho nên, suy cho tận cùng của lương tâm, thì những cô gái này đã góp phần phá vở hạnh phúc của người khác.
        Hạnh phúc gia đình là ưu tiên số một của mọi người, dù đàn ông hay đàn bà, thời xưa hay thời nay thì ai cũng biết yêu và muốn một tình yêu trọn vẹn và chung thuỷ, cho nên ai cũng cố công gìn giữ và bảo vệ hạnh phúc của gia đình mình, do đó khi mà có một người thứ ba chen vào trong tình yêu của họ, thì tự nhiên “chiến tranh” sẽ bùng nổ, và mọi tội ác như gian dâm, ghen tương, nói dối, giết người...từ đó mà phát sinh.

        Ở suốt đời với một người mình không yêu thương thì thà không lập gia đình còn hơn, cho nên khi không có tình yêu với nhau thì đừng miễn cưỡng đến với nhau, bởi vì nếu như thế thì chỉ là làm khổ nhau thôi...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viet suy tư