Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Chúa nhật 4 phục sinh (lễ Chúa Chiên Lành)


CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH

Tin mừng : Ga 10, 1-10
“Tôi là cửa cho chiên ra vào”.

Anh chị em thân mến,
Chúa nhật thứ tư Phục Sinh, theo truyền thống của Giáo Hội hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu, tức là ơn gọi làm linh mục và tu sĩ nam nữ, để họ đem chính đời sống tận hiến của mình để giới thiệu Chúa cho mọi người, và cầu xin cho có nhiều vị mục tử tốt lành để dẫn dắt đoàn chiên của Ngài, tôi xin chia sẻ vắn tắt với anh chị em về điểm này.

Mục tử tốt lành là ai ?
Đó chính là Đức Chúa Giê-su, Ngài là vị mục tử tối cao không phải vì Ngài làm nhiều phép lạ, nhưng Ngài chính là Thiên Chúa; Ngài là mục tử vĩ đại không phải vì Ngài làm được nhiều phép lạ, nhưng là vì Ngài dám hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên; Ngài cũng là một vị mục tử duy nhất đã tuyên bố mình chính là cửa chuồng chiên, ai không qua cửa mà vào thì là kẻ trộm...

Đức Chúa Giê-su đã trở thành vị mục tử tốt lành và nhân từ khi Ngài dám hy sinh mạng sống của mình vì đàn chiên, đó chính là những hành động cơ bản cho những mục tử nối tiếp của Ngài trong Giáo Hội Công Giáo:

-      Ngài đi tìm chiên lạc chứ không để chiên lạc tìm Ngài.
-      Ngài chữa lành chiên con bị đau yếu chứ không đến để chiên chữa mình.
-      Ngài biết lắng nghe tiếng chiên đau khổ kêu cứu, chứ không nghe lời những con chiên ỷ mạnh phân bua.
-      Ngài biết hòa giải giữa những con chiên bất hòa với nhau, chứ không đến để bênh chiên này bỏ chiên khác.
Và cuối cùng Ngài đã vì đàn chiên mà hy sinh tính mạng để đàn chiên được sống, và sống trong tình yêu của Ngài.

Các tín hữu cũng mong muốn các mục tử của Đức Chúa Giê-su ở trần gian này là các giám mục và linh mục biết sống và noi gương Ngài.

Cộng tác và cầu nguyện cho ơn thiên triệu.
Chúng ta cầu nguyện cho ơn thiên triệu, cầu nguyện cho có nhiều người đi tu dâng mình làm tôi Chúa trong chức vụ linh mục và tu sĩ; cầu nguyện cho có nhiều người biết từ bỏ con đường của thế tục, để hoàn toàn làm việc cho Thiên Chúa trong một hội dòng hay trong chủng viện.

Chúng ta cầu nguyện cho người này có ơn gọi, cầu nguyện cho người kia được bền đỗ đến cùng trong ơn gọi mà họ đã chọn, và có khi dâng cúng tài sản để bảo trợ cho ơn gọi, đó chính là những việc làm tốt của người Ki-tô hữu. Nhưng còn một thiếu sót của chúng ta là chỉ cầu nguyện cho có nhiều người làm linh mục, nhiều người làm tu sĩ nam nữ, nhưng có mấy ai cầu nguyện cho các linh mục sống đời đạo đức, thánh thiện như Đức Chúa Giê-su ? Có mấy ai tiếp tục cầu nguyện cho người đã làm linh mục và tu sĩ được sống xứng đáng với ơn gọi của mình ?!

Anh chị em thân mến,
Đức Chúa Giê-su là mục tử nhân lành, chính Ngài sẽ chọn người tiếp tục sứ mạng mục tử của mình chứ không phải chúng ta, nhưng Ngài muốn chúng ta cộng tác và cầu nguyện cho các mục tử biết sống như Ngài đã sống, tức là hết mình vì đàn chiên chứ không phải là kẻ làm thuê làm mướn...

Thời nay có nhiều mục tử quên mất mình là ai, thời nay có những mục tử quên mất mình là người mục tử của đàn chiên chứ không phải là những kẻ làm thuê, nên họ sống phóng túng, bon chen và  tự do trong cách ăn ở như những người làm thuê....

Gợi ý chia sẻ :
-      Bạn nghĩ gì khi bạn biết một mục tử sống không như là mục tử ? Cầu nguyện cho họ hay khinh thường họ ?
-      Bạn có cầu nguyện cho các linh mục và các tu sĩ không ?
-      Bạn có muốn làm linh mục tu sĩ không ?


Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2014

Nhảy hip hop


NHẢY HIP HOP
     Giáo dân đang coi một “pha” sôi động cuồng nhiệt trên YouTube: một linh mục và một nhóm giáo dân Việt Nam (ở Mỹ) đang nhảy hip hop trước mặt nhật Mình Thánh Chúa: trên bàn thờ có mặt nhật Mình Thánh Chúa, phía sau mặt nhật thì linh mục mặc alba và dây stola đang nhún nhảy, trước mặt Mình Thánh Chúa thì cả cộng đoàn đang nhảy theo bài hát, y như là múa tập thể trong các vũ trường. Không ra thể thống gì.

     Coi xong giáo dân phán một câu: ông cha mất nết, quái gở, “nó” đang làm nhục Đức Chúa Giê-su Thánh Thể.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Nhà hưu


NHÀ HƯU
     Cha sở đã gần tám mươi tuổi nhưng chưa muốn về hưu, an phận, làm gì cũng sợ, không phải sợ công an mà sợ mấy bà giáo dân, nên giáo xứ không phát triển được về mặt tổ chức cũng như về mặt thiêng liêng.

Giáo dân nói với nhau: giáo xứ mình đâu phải là nhà hưu dưỡng của các linh mục, sao đức cha không phái các linh mục trẻ đến làm cha sở...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 

Con nhái nổi giận


CON NHÁI NỔI GIẬN
Ngày xửa ngày xưa, long vương đi dạo ven biển thì gặp một con nhái, long vương hỏi nhái:
-         “Lúc vui vẻ hoặc lúc phẩn nộ, thì mi sẽ như thế nào ?
Con nhái trả lời:
-         “Lúc tôi vui vẻ thì thích kêu oạp oạp ầm lên dưới trời đêm trăng thanh gió mát; khi tôi giận dữ thì trương to cặp mắt lồi ra con ngươi, tiếp theo là kích thích ruột và bụng phình lên, và cuối cùng thì ruột và bụng đã tràn ngập hơi”.
                                     (Ngải Tử tạp thuyết)

Suy tư:
     Cách con nhái nổi giận thì chẳng khác chi con người khi nổi giận đó là phùng má trợn mắt.
     Con người ta khi giận dữ thì trợn cặp mắt đỏ kè lên, tay run run, mặt đỏ tía và miệng há toang ra để chửi tục, đúng là một bức chân dung không mấy đẹp đẽ oai phong.
     Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta học nơi Ngài sự “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”, “trong lòng” chứ không phải bên ngoài, bởi vì khi trong lòng có sự khiêm tốn và hiền lành thật sự, thì nó sẽ bày tỏ ra bên ngoài nơi lời nói và hành vi của chúng ta. Có một điều mà không ai chối cãi được đó là người hiền lành đi đến đâu thì cũng đều được người ta thương mến, và ngừơi khiêm tốn đi đến đâu thì cũng được người ta kính phục và tôn trọng, nhưng Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta trở nên người vừa hiền lành vừa khiêm nhượng trong lòng, bởi vì anh có thể có đức tính hiền lành, nhưng anh không khiêm nhượng, nhưng nếu anh có đức khiêm nhượng thì đồng thời anh cũng có luôn sự hiền lành, bởi vì khiêm nhượng là nền tảng của mọi nhân đức, và mọi đức hạnh đều từ khiếm nhượng mà ra.
     Ai cũng thích mình có bộ mặt hiền lành, nhưng ai cũng “sẵn sàng” nổi nóng vói người khác; ai cũng thích mình sống khiêm tốn với mọi người, nhưng ai cũng “sẵn sàng” lên mặt dạy đời cho người khác.
Đố các bạn tại sao kỳ vậy ? Thưa là vì chữ “muốn” và chữ “thực hành” thì không giống nhau. Ai cũng muốn, nhưng không phải ai cũng thực hành. Hơn nữa thánh Phao-lô tông đồ cũng đã nói: “Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi không muốn thì tôi lại làm”.

Đúng là kỳ cục thật, nhưng những ai có tâm hồn bình an của Thiên Chúa thì lại không cảm thấy kỳ cục chút nào cả.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

Hỏi vặn Hoạt Hỉ


HỎI VẶN HOẠT HỈ
Điền Ba có tài tranh luận.
Một hôm, đệ tử của Điền Ba là Cầm Hoạt Hỉ đang đi trên đường thì gặp một bà lão, bà lão thi lễ và hỏi:
-         “Ông có phải là học trò của Điền Ba không, nhất định là ông giống Điền Ba cái tài tranh luận, lão đây có một nghi vấn muốn thỉnh giáo ông”.
Hoạt Hỉ nói: “Bà nói đi”.
Bà lão nói:
-         “Bờm ngựa sống hướng lên thì ngắn, đuôi ngựa sống hướng xuống thì dài, đó là nguyên nhân gì ?”
Cầm Hoạt Hỉ cười nói:
-         “Việc đơn giản như thế mà còn không biết sao ? Bờm ngựa sống vểnh lên phía trên, ngược thế nên phải ngắn, đuôi ngựa sống rủ xuống dưới, thuận thế nên phải dài”.
Bà lão lại hỏi:
-         “Nhưng tóc của con người cũng vểnh lên phía trên, thuộc về ngược thế, tại sao lại dài chứ ? Râu cằm lại rủ xuống, thuộc về thuận thế, tại sao lại ngắn chứ ?
Cầm Hoạt Hỉ nhất thời không trả lời được.
                                       (Ngải tử tạp thuyết)

Suy tư :
     Có nhiều giáo hữu giáo lý căn chỉ đủ biết để lãnh các bí tích khai tâm, nhưng đời sống đạo đức thì vượt xa những người thông thái, vượt qua những người đi tu, bởi vì họ rất đơn sơ nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của họ.
     Có nhiều giáo hữu đi tham gia khóa giáo lý này, lớp bồi dưỡng giáo lý nọ và có khi tham gia những lớp thần học dành cho giáo dân, rồi về lại trong giáo xứ của mình, thay vì giúp cha sở xây dựng giáo xứ ngày càng phát triển hơn, thì lại đi cãi lý với cha sở về những điều mình đã thu lượm nơi các lớp giáo lý ấy, nào là: cha đi sai phụng vụ của Giáo Hội, nào là cha giải thích câu Lời Chúa ấy như thế không đúng với truyền thống của Giáo Hội, nào là cha trang trí trong cung thánh không phù hợp với phụng vụ, nào là vân vân và vân vân... Cũng có một số giáo dân đi học giáo lý, rồi thì tự đắc cùng nhau tranh luận thánh kinh, đi đến chỗ trở thành đối lập nhau và nguy hiểm hơn: trở thành đối địch nhau...
     Học Lời Chúa và sống Lời Chúa thì khác xa nhau.
     Chúng ta không thông thái về thần học, giáo lý cho bằng các giáo phụ của Giáo Hội, cho nên chúng ta không đủ tư cách để tranh luận về giáo lý, thần học, nhưng có một cách vừa có tính tranh luận, vừa có tính hộ giáo, vừa có tính truyền giáo đó là Sống Lời Chúa, bởi vì khi chúng ta sống và thực hành Lời Chúa, thì tự nó –cách sống của chúng ta- cũng là một lời tranh luận chắc chắn, một tính hộ giáo siêu việt và là cách truyền giáo hay nhất của mọi thời đại.

Cho nên, bớt đi tranh luận, mà gia tăng cách sống Lời Chúa và cầu nguyện trong cuộc sống của chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Đáp sai câu hỏi


ĐÁP SAI CÂU HỎI
Sau khi quân Tần tấn công phá Trường Bình, lại đem quân vây quân Triệu ở Hàm Đan. Tình thế rất nguy cập, Triệu Tương Bình Nguyên quân nhất thời không có kế sách tốt để giải cứu, chỉ có thể ngồi trong nhà buồn rầu.
Nhìn thấy viên sử quan làm trong phủ liền hỏi : “Ở trong phủ còn có công việc gì chưa làm xong không ?”
Sử quan không trả lời, Tân Viên Diễn ngồi một bên lên tiếng nói : “Chỉ có một việc chưa làm, đó là ngoài thành còn một số tên trộm chưa bắt được để đưa ra tòa !”
                                     (Ngải tử tạp thuyết)

Suy tư:
     Trong cuộc sống có thể chúng ta đã làm rất nhiều việc, tốt có xấu có, nhưng chỉ có một việc rất quan trọng mà chúng ta chưa làm, đó là chuẩn bị tâm hồn để chờ đón Chúa đến.
     Chuẩn bị tâm hồn để chờ đón Chúa thì trước hết phải dọn tâm hồn cho sạch sẽ, quét đi những rác rưỡi bụi bặm, lau sạch những nơi tì ố, chính là những tội nặng nhẹ của chúng ta, nơi bí tích giải tội chúng ta làm được điều ấy.
     Chuẩn bị tâm hồn cũng có nghĩa là luôn luôn kết hợp với Chúa, đặc biệt là nơi bí tích Thánh Thể chúng ta sẽ tìm được những phương pháp hay nhất để chuẩn bị Chúa đến, không có ai đợi người yêu với một tâm hồn lạnh như băng (chỉ có những kẻ hận tình), nhưng những kẻ yêu nhau họ luôn mang một tâm trạng tràn ngập yêu thương và mong người yêu từng giây từng phút. Đợi chờ Chúa đến cũng như vậy mà thôi.
     Thật rất là thiếu sót nếu chúng ta chưa chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa ngay từ bây giờ.
     “Maranatha” Lạy Chúa xin hãy đến, vì chúng con đã chuẩn bị tâm hồn để đợi Chúa đây.

     Ôi ! Hạnh phúc biết chừng nào khi chủ về mà thấy đầy tớ vẫn còn tỉnh thức, ông chủ sẽ vui vẻ mà chúc phúc cho tên đầy tớ ấy, và đặt anh ta làm quản gia cai quản gia sản của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư 

Năm nay chết cóng


NĂM NAY CHẾT CÓNG
Tề vương vì muốn được thảnh thơi mãi mãi, nên muốn bắt lính xây bức trường thành dài bốn ngàn dặm, nhưng trước mắt quốc sự chưa được yên ổn.
Ngải Tử bèn nói với Tề vương:
-         “Sáng hôm nay tuyết rơi rất sớm, tôi đến triều bái đại vương, nhìn thấy hai bên đường dân nghèo lõa thể nằm trên tuyết, nhìn trời mà hát, tôi liền trách chúng nó không được làm như thế và hỏi duyên cớ, đám dân nghèo nói : “Nếu hôm nay tuyết lành rơi đúng lúc, thì điềm báo trước là sang năm được mùa bội thu. Chỉ đáng tiếc là năm nay chúng tôi phải chết cóng, việc này không giống với việc xây thành hôm nay sao ?”
                                     (Ngải tử tạp thuyết)

Suy tư:
     Tâm lý con người ta ai cũng muốn được nghỉ ngơi thoải mái, nhưng nghỉ ngơi thoải mái mà để người khác phải mệt xác, đau khổ vì mình, thì quả thật không nên.
     Chỉ có tinh thần tự nguyện mới làm cho con người vui sướng thoải mái.
     Có một bà giáo dân nọ nói với tôi: “Thưa cha, nếu con không vào đạo binh Đức Mẹ thì con sẽ chửi nát mả thằng cha đó !”; lại có một giáo dân khác nói: ”Nếu không phải là mùa chay thì con đánh bỏ mẹ bà nó !”...
     Cuộc sống phục vụ của các nữ tu nơi các bệnh viện thật là thú vị, vì các chị phục vụ với tinh thần tự nguyện, các chị tự nguyện mệt mỏi nơi thể xác và có khi trong tâm hồn để cho các bệnh nhân được thoải mái, sung sướng và cảm thấy được an ủi; các chị đã tự nguyện phục vụ Đức Chúa Giê-su đang ở  trong các bệnh nhân, tinh thần tự nguyện ấy thật cao cả và đáng khâm phục, các chị không nói: “Nếu tôi không phải là nữ tu thì tôi cóc mà thèm những chuyện mệt nhọc như thế này...”, nhưng các chị luôn tâm niệm rằng: “Tôi là một nữ tì của Thiên Chúa, tôi tự nguyện phục vụ Chúa trong những anh chị em bệnh nhân của tôi, vì đó là bổn phận của tôi –bổn phận của một tôi tớ.

Phục vụ trong yêu thương là tự nguyện trở nên tối tớ của mọi người trong Đức Chúa Giê-su.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. 
dịch và viết suy tư